Ngày 8.2.1904, cuộc chiến tranh Nga - Nhật nổ ra khi hạm đội Nhật tấn công vào lực lượng hải quân Nga tại cảng Lữ Thuận (Port Arthur) mà không một lời tuyên chiến. Cuộc chiến chỉ kéo dài trong hơn một năm và chiến thắng của một nước châu Á trước lực lượng hùng mạnh của một đế quốc rộng lớn ở châu Âu đã tác động mạnh mẽ lên tinh thần các nhà cách mạng Việt Nam, và sự ra đời của phong trào Đông Du là hệ quả của tình thế lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước khi bị hải quân Nhật Bản đánh tan tác tại eo bể Đối Mã (Tsushima) trong trận chiến cuối cùng, một hạm đội Nga đã từng bị kẹt tại cảng Cam Ranh của Việt Nam trong một thời gian dài, khiến thực dân Pháp phải lo sốt vó.
Thống đốc Nam kỳ François-Pierre Rodier, người mất ăn mất ngủ vì hạm đội Nga ở Cam Ranh |
Vì sao hạm đội Nga bị sa lầy ở cảng Cam Ranh ?
Vào những thập niên cuối thế kỷ 19, Nga hoàng Alexander III (1881 - 1894) chủ trương mở rộng các phần đất châu Á trong khuôn khổ đế quốc Nga. Năm 1891, ông ta cử con trai đi thăm một vòng Đông Á, và chỉ ba năm sau (1894), vị hoàng tử này đã trở thành Nga hoàng Nicholas II, theo đuổi chính sách bành trướng ngày một rõ nét và dứt khoát hơn bao giờ hết.
Về phần mình, nước Nhật sau thời kỳ Minh Trị cũng tỏ rõ sức mạnh và ý chí kiên cường qua cuộc đụng độ với quân đội nhà Thanh vào các năm 1894 - 1895, chiếm cứ đảo Đài Loan và một vài vùng đất khác. Năm 1904, tám ngày sau cuộc tấn công của hải quân Nhật vào lực lượng Nga tại Lữ Thuận, Nga tuyên chiến và quyết lật ngược lại tình thế trên chiến trường. Nguyên nhân chính của cuộc xung đột này là việc cả hai giành quyền kiểm soát hai vùng đất Mãn Châu và Triều Tiên hầu mở rộng thanh thế trên toàn vùng Đông Á.
Ngay từ đầu, chính quyền Pháp tại Đông Dương cố giữ thái độ bàng quan trước cuộc đối đầu Nga - Nhật. Họ đang bận tâm đối phó với những cuộc khởi nghĩa, các phong trào quần chúng đang lớn mạnh trong nước và có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an nguy của họ trên vùng thuộc địa. Tuy nhiên, đến ngày 12.4.1905, bỗng nhiên họ bị đẩy vào một tình thế nan giải bất ngờ: một hạm đội hùng hậu của Nga gồm 52 tàu các loại đã lần lượt vào thả neo tại vịnh Cam Ranh.
Sa hoàng Nicolas II |
Từ mũi Padaran, hải quân Nga cho tàu vận tải vào trước, có lẽ để trấn an nước chủ nhà, còn tàu chiến thì di chuyển ban đêm cách bờ 3 hải lý, đợi sáng hôm sau mới vào vịnh. Đến ngày 14.4.1905, toàn bộ hạm đội Nga đã có mặt ở Cam Ranh, gồm tàu chiến, hai phân đội tàu bọc thép, một đội tuần dương hạm, một đội tàu phóng ngư lôi, tàu bị trưng dụng để chuyên chở thực phẩm, dụng cụ, tàu bệnh viện, tàu công xưởng, tàu chở than… Vùng biển Cam Ranh bỗng nhiên trở thành một nơi sôi động chưa từng có.
Thực dân Pháp, từ viên Thống đốc Nam kỳ Rodier đến các tướng tá đều hết sức bối rối. Tính cách trung lập của Pháp trong một cuộc xung đột quốc tế đang bị thử thách. Theo một quy ước được Pháp ban hành thì “tính trung lập cho phép các tàu đang tham chiến được tự do ra vào và lưu trú không thời hạn tại các cảng của Pháp trừ một số hạn chế. Họ không được mang theo vật dụng khí tài và không được sử dụng cảng đang tiếp nhận họ như một căn cứ hành quân…”.
Đô đốc Pháp Eugène de Jonquières |
Paris sớm nhận được những báo cáo đầy đủ của Sài Gòn. Trước đó, không phải là không có lý do mà Đại sứ Nhật tại Pháp đã biểu lộ những cử chỉ thân thiện khác thường với một số nhân vật trọng yếu trong chính giới Pháp. Bộ Ngoại giao Pháp trao đổi với Bộ Thuộc địa, Bộ Thuộc địa trao đổi với Toàn quyền Đông Dương. Bức điện ngày 18.4.1905 của Bộ Thuộc địa xác định một quan điểm dứt khoát trong việc giải quyết vấn đề: “Nếu trái với những gì chúng ta hằng tin tưởng, hạm đội Nga đang ở trong vùng lãnh hải của chúng ta, hãy lưu ý ông Đô đốc (chỉ Đô đốc Nga Rodjestvensky - LN) về sự khẩn thiết phải rời đi để tránh một cuộc đụng độ sắp xảy ra…”.
Công việc đầu tiên của chính quyền Pháp tại Đông Dương là theo dõi động tĩnh của hạm đội Nga. Họ nhìn thấy tàu Nga đang ăn than, sửa chữa vận tải lương nhu và có một điều quan trọng nhất mà có lẽ họ chưa nắm được là hạm đội Nga ghé lại Cam Ranh để chờ phân hạm đội Nebogatoff đến tăng cường. Ngày 15.4.1905, nghĩa là chỉ một ngày sau khi hạm đội Nga có mặt đầy đủ ở Cam Ranh, Phó đô đốc Pháp Jonquières đi trên pháo hạm Descartes, có mặt tại vùng biển Cam Ranh trong các cuộc tuần tra bình thường. Hai bên gặp nhau, thực hiện những cuộc thăm viếng xã giao rồi pháo hạm Descartes trở ra Nha Trang. (còn tiếp)
Bình luận (0)