Nhân 4 tháng này, cụ Phan khuyến khích thanh niên Việt Nam đọc tác phẩm của nhà cách mạng Trung Quốc Lương Khải Siêu, mở Trường Dục Thanh dạy theo chương trình mới, thành lập Tổ hợp Liên Thành để buôn bán cá khô và nước mắm. Ở Quảng Nam, cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng mở một trường học, một hội nông nghiệp, tổ chức buôn bán quế ở Hội An, đồng thời cổ súy việc cắt tóc ngắn và ăn mặc theo phương Tây (David Marr G. - sđd - trang 158-159).
Cụ Lương Văn Can (1854 - 1927), Thục trưởng Đông Kinh nghĩa thục |
TƯ LIỆU LÊ NGUYỄN |
Trở lại Quảng Nam, sau khi tìm đọc những lá thư cùng tài liệu do cụ Phan Bội Châu gửi từ Nhật về, cụ Phan Châu Trinh quyết định tự mình sang Nhật gặp Phan Bội Châu và sống mấy tuần lễ ở 2 thủ phủ Tokyo và Yokohama. Chính trong thời gian này, cụ Phan Châu Trinh được biết rõ về Khánh Ứng nghĩa thục (Keio Gijuku) ở thủ đô Tokyo, một mô hình giáo dục mới của Nhật Bản do nhà tư tưởng nổi tiếng Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901) sáng lập, với những cải cách về đội ngũ giảng dạy, chương trình học và phong cách giáo dục mới mẻ.
Về Việt Nam, cụ Phan Châu Trinh trình bày với nhiều nhà cách mạng trong nước về mô hình giáo dục của Khánh Ứng nghĩa thục. Mô hình này thuyết phục được mọi người và Trường Đông Kinh nghĩa thục Việt Nam ra đời vào tháng 3.1907, không thu học phí đúng theo danh xưng “nghĩa thục”, hoạt động với mục tiêu khai dân trí qua chương trình giáo dục lớp trẻ và tổ chức các buổi diễn thuyết trước đông đảo đồng bào về nếp sống duy tân.
Trường dạy chủ yếu môn Việt văn ở bậc tiểu học, dạy thêm Hán Văn và Pháp văn cho học sinh trung và đại học, từ bỏ lối học từ chương, khoa cử, chú trọng vào lĩnh vực thường thức và thực nghiệp. Người thục trưởng đầu tiên của Đông Kinh nghĩa thục là cụ Lương Văn Can, sinh năm 1854, là một trong những bậc trưởng thượng lúc bấy giờ, cả về tuổi tác lẫn nhân cách (Nguyễn Hiến Lê - Đông Kinh nghĩa thục - NXB Văn hóa thông tin - 2002, trang 50).
Nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) |
TƯ LIỆU LÊ NGUYỄN |
Trụ sở đầu tiên của Đông Kinh nghĩa thục là căn gác rộng lớn trong ngôi nhà của cụ Lương Văn Can chứa được vài trăm học sinh. Trường hoạt động ngay khi vừa thành lập, trong thời gian chờ phủ Thống sứ Bắc kỳ duyệt xét hồ sơ xin mở trường. Ngay những ngày đầu, đã có 60 - 70 học sinh theo học, phần đông là con em những người có liên quan đến việc thành lập trường, những người ủng hộ mục tiêu và tôn chỉ của trường.
Điểm đặc biệt của Đông Kinh nghĩa thục trong điều kiện xã hội lúc bấy giờ là tinh thần bài xích quan niệm trọng nam khinh nữ, nhất là về mặt học vấn. Trong 2 lớp học đầu tiên, đã có một lớp dành cho nữ sinh! Việc tìm một nữ giáo viên cho nghĩa thục cũng không phải là điều dễ dàng. Cuối cùng, người em gái cụ Lương Trúc Đàm (một thành viên trong ban sáng lập nghĩa thục), vốn biết chữ quốc ngữ, đã tình nguyện phụ trách giảng dạy cho lớp nữ.
Tháng 5.1907, giấy phép hoạt động đã được phủ Thống sứ Bắc kỳ cấp cho Đông Kinh nghĩa thục. Trên nền tảng hợp pháp này, trường bắt đầu mở rộng cả về cơ sở vật chất lẫn hoạt động trong công chúng. Số học sinh lúc này đã lên đến khoảng 400 - 500 người (số liệu này không thống nhất ở nhiều nguồn).
Ban giảng huấn của trường cũng khá hùng hậu, phần Hán văn gồm các nhân sĩ trí thức Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Quyền, Lương Trúc Đàm; phần Việt và Pháp văn có các nhà tân học: Phạm Duy Tốn (thân phụ nhạc sĩ Phạm Duy), Nguyễn Văn Vĩnh (thân phụ các nhà thơ Nguyễn Giang, Nguyễn Nhược Pháp), Nguyễn Bá Học (người có câu nói nổi tiếng: đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông), Phạm Đình Đối…
Nhà văn hóa Dương Bá Trạc (1884 - 1944) |
TƯ LIỆU LÊ NGUYỄN |
Song song với việc đào tạo một lớp thanh niên mới hấp thu một nền giáo dục phù hợp với xã hội đương thời, các nhà lãnh đạo của Đông Kinh nghĩa thục còn tổ chức nhiều buổi diễn thuyết trong công chúng để hiệu ứng của việc làm được lan tỏa rộng hơn. Trong cuộc diễn thuyết thu hút được nhiều người xem tại đền Ngọc Sơn, Hà Nội, 2 thành viên của trường là Lương Trúc Đàm và Dương Bá Trạc đã bị cảnh binh dẫn giải về trụ sở tra hỏi, mấy ngày sau được mời lên phủ Thống sứ và gặp trực tiếp viên thống sứ Pháp. Tính thẳng thắn, tinh thần tự trọng của 2 cụ khiến viên thống sứ nể trọng, không bắt tội làm “nhiễu loạn trị an” và để cho 2 cụ trở về (Nguyễn Hiến Lê - sđd, trang 87-89).
Hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục phù hợp với chủ trương của những người theo phong trào Duy Tân, nâng cao dân trí, không những ở học đường mà cả trong môi trường xã hội. Đáng tiếc là nghĩa thục không tồn tại được tới một năm. Đầu năm 1908, thực dân Pháp lấy cớ là trường gây náo động trong dân, đã thu hồi giấy phép hoạt động.
Trong tình hình đó, những nhân sĩ yêu nước vẫn không chịu lùi bước, họ tiếp tục gây ra 2 sự kiện quan trọng khác, trong cùng năm 1908, và đó sẽ là đề tài của các bài viết tiếp sau. (còn tiếp)
Bình luận (0)