Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao các nỗ lực và đóng góp của các tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam và cá nhân Điều phối viên Kamal Malhotra trong việc tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong quá trình phát triển thời gian qua.
Thủ tướng hoan nghênh sự hợp tác hiệu quả của Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng toàn cầu; khẳng định Chính phủ Việt Nam kiên quyết, kịp thời, đồng bộ, do đó ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam có mục tiêu kép không chỉ nỗ lực chống dịch thành công mà còn bảo đảm phát triển, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Thủ tướng nêu rõ, trong hai tháng đầu năm, tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều điểm nóng bùng phát, nhất là ở khu vực Trung Đông, châu Phi. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sơ bộ đánh giá đã nỗ lực đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Riêng trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã tổ chức thành công buổi thảo luận về Hiến chương Liên Hiệp Quốc, qua đó đề cao chủ nghĩa đa phương, vai trò của Hiến chương, của Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế. Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, dựa trên lập trường nguyên tắc, luôn xây dựng và trách nhiệm vì lợi ích chung, vì hòa bình, ổn định ở các khu vực.
Điều phối viên Kamal Malhotra đánh giá rất cao nỗ lực mà Việt Nam đã thực hiện để chặn đà lây lan của dịch Covid-19; đánh giá cao giai đoạn 1 và giai đoạn hiện nay mà Việt Nam đang tiến hành chống dịch. Liên Hiệp Quốc đã sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới.
* Tuyên bố chung về khả năng phục hồi kinh tế ASEAN
Cùng ngày, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26, diễn ra ở TP.Đà Nẵng với sự tham dự của các bộ trưởng kinh tế, các bộ trưởng đã chính thức thông qua 12 đề xuất về sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Đáng chú ý, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vai trò chủ động thích ứng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN được Việt Nam thể hiện thông qua đề xuất đưa ra một tuyên bố chung cấp bộ trưởng nhằm duy trì chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hội nghị cũng thảo luận tìm giải pháp cho các vấn đề tồn tại trong hợp tác ngoại khối. Hôm nay (11.3), các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN sẽ tiếp tục thảo luận về phương hướng để các nước ASEAN có thể thúc đẩy việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Bình luận (0)