Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư công nghiệp bán dẫn

14/12/2024 10:39 GMT+7

Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn, song mới chỉ tham gia ở các công đoạn thiết kế, kiểm thử, đóng gói vi mạch, sản xuất thiết bị và nguyên liệu.

Sáng 14.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đã chủ trì phiên họp thứ nhất.

Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư công nghiệp bán dẫn- Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn

ẢNH: NHẬT BẮC

Theo Thủ tướng, Việt Nam muốn kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại thì phải đi đúng hướng của thời đại, đánh giá chính xác tình hình và phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, với tinh thần "theo kịp, tiến cùng và vượt lên".

Muốn thúc đẩy tăng trưởng phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, chuyển đổi số là động lực lớn mà các nước đang tập trung, dịch chuyển - một cuộc cách mạng xác lập tiến trình lịch sử và trật tự thế giới mới.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương triển khai "Chương trình Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" và "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030".

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, chuyển đổi số rất rộng, nhưng cốt lõi là nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trên cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo của Việt Nam phải dựa trên cơ sở dữ liệu của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn, nhờ vào nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh, khả năng phát triển cơ sở hạ tầng; cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở và quyết tâm chính trị cao.

Trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đang tham gia vào các công đoạn: thiết kế, kiểm thử, đóng gói vi mạch, sản xuất thiết bị và nguyên liệu liên quan đến bán dẫn nhưng chưa có nhà máy sản xuất chip.

Trong đó, có hơn 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 6.000 kỹ sư, công đoạn đóng gói kiểm thử có 7 nhà máy, với khoảng 6.000 kỹ sư, chưa bao gồm hơn 10.000 kỹ thuật viên. Các doanh nghiệp về sản xuất thiết bị và nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn như Samsung, Seojin, Coherent... cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH-ĐT đã hỗ trợ nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như NVIDIA, Qualcomm, LAM Research, Qorvo, AlChip... chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất. 

Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỉ USD. Bộ KH-ĐT đã phối hợp với các bộ, cơ quan và các bên liên quan thành lập Tổ công tác triển khai hợp tác với NVIDIA; thành lập Tổ đàm phán tiến hành các cuộc trao đổi, làm việc với lãnh đạo Tập đoàn NVIDIA để thu hút đầu tư, cụ thể hóa phương án hợp tác với Việt Nam.

Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai dự án Đối tác tương lai Việt Nam - Hàn Quốc về nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy thiết lập Tổ công tác liên ngành Việt - Hàn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và AI.

Với Nhật Bản, hợp tác bán dẫn, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao, là một trong 5 ưu tiên của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới giai đoạn 1. Dự kiến sẽ có khoảng 100 nhà nghiên cứu được cử sang học tập, nghiên cứu chuyên sâu tại Nhật Bản hằng năm.

Với Đài Loan (Trung Quốc), bước đầu hình thành các cơ chế hợp tác thông qua kênh hiệp hội doanh nghiệp "Chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế" (INTENSE) cho sinh viên Việt Nam, dự kiến mỗi năm sẽ có khoảng hơn 1.000 sinh viên Việt Nam được phía Đài Loan cấp học bổng học tập và làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Đài Loan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.