Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm
Đất hiếm là một trong những nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn, cần thiết cho nhiều ngành công nghiệp cao của Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc. Sự phong tỏa "cấm linh kiện bán dẫn và chip" từ Trung Quốc của Mỹ đã biến cuộc chiến thương mại thành chiến tranh công nghệ. Cuối cùng, Trung Quốc đã dùng đất hiếm và các khoáng sản để làm vũ khí "răn đe" khi cần.
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản rất dồi dào, đặc biệt nguồn đất hiếm của Việt Nam khiến không ít nhà sản xuất bán dẫn thèm muốn. Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đạt tới 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc 44 triệu, trên tổng lượng thế giới 130 triệu.
Năm quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn). Kết quả thăm dò tìm kiếm và đánh giá đã xác định, trữ lượng quặng lithium của vùng mỏ La Vi, tỉnh Quảng Ngãi là khoảng 1 triệu tấn quặng, đứng thứ 4 thế giới - ngang với Trung Quốc, chỉ sau Chile (gần 9 triệu), Úc (gần 3 triệu) và Argentina (gần 2 triệu).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có trữ lượng bô-xít quặng nhôm khoảng 5,8 tỉ tấn, đứng thứ 2 thế giới sau Guinea với 7,4 tỉ trên tổng lượng thế giới 31 tỉ. Và trữ lượng quặng đồng tại mỏ Sin Quyền (tỉnh Lào Cai) được đánh giá khoảng 100 triệu tấn.
Trên thế giới, để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, các quốc gia Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc… đã tìm tới những nước có nguồn đất hiếm dồi dào. Đây là một trong những mục tiêu trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol và 205 doanh nghiệp từ ngày 22 đến 24.6 vừa qua. Hàn Quốc và Việt Nam đã ký một bản ghi nhớ thiết lập một trung tâm dây chuyền cung cấp đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho các công ty Hàn Quốc và khuyến khích họ đầu tư vào Việt Nam.
Đáng lưu ý, trong chuyến đi này, Tổng thống Yoon Suk Yeok thông tin, Chính phủ Hàn Quốc sẽ gia hạn Hiệp định tín dụng khung và mở rộng định mức hỗ trợ vốn đối với hợp tác và phát triển kinh tế từ 1,5 tỉ USD lên 2 tỉ USD trong một vài năm tới. Đồng thời, hai bên lần đầu tiên ký kết thỏa thuận hợp tác về nguồn vốn xúc tiến hợp tác kinh tế quy mô 2 tỉ USD. Từ đó sẽ hỗ trợ nguồn vốn viện trợ hoàn lại lên quy mô 4 tỉ USD vào năm 2030 như một phần trong trợ giúp phát triển chính thức.
Bước ngoặt quan trọng cho Việt Nam
Các công nghiệp 4.0 trên toàn cầu đang chạy đua để có được nguồn cung các khoáng sản quan trọng như đất hiếm được sử dụng cho xe hơi điện, chất bán dẫn, điện thoại di động và các sản phẩm khác. Thế nhưng, việc khai thác và chế biến đất hiếm và khoáng sản của chúng ta chưa tương xứng với tiềm năng.
Việt Nam chưa có công nghệ khai thác thân thiện môi trường và công nghệ chế biến sâu, vì việc khai thác và chế biến các mỏ quặng, đất hiếm có thể dẫn đến sự hủy hoại môi trường nếu khai thác không đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là đất hiếm chứa nhiều nguyên tố độc hại, có tính phóng xạ cao. Đây là trở ngại rất lớn để doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến nay chúng ta vẫn đang loay hoay tìm kiếm vì các công nghệ này được coi là bí mật, nên nhiều đối tác nước ngoài không bán, không chuyển giao khiến việc hợp tác gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cuộc trao đổi mà hai bên đều có lợi. Hàn Quốc bán công nghệ để đổi lấy khoáng sản. Việt Nam được gia nhập vào chuỗi cung ứng vật liệu chiến lược quốc tế với Hàn Quốc là quốc gia có nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực này như Hyundai Motor và Samsung, LG, Kia…
Đây là bước ngoặt quan trọng giúp Việt Nam bước vào chuỗi cung ứng thế giới.
Quan sát cho thấy, các công ty trên toàn cầu đang chạy đua để có được nguồn cung các khoáng sản quan trọng như đất hiếm được sử dụng cho xe hơi điện, chất bán dẫn, điện thoại di động và các sản phẩm khác.
Với nền công nghiệp sản xuất vật liệu chiến lược và sức phát triển mạnh của nền kinh tế, Việt Nam sẽ là điểm hấp dẫn đầu tư của các công nghiệp tương lai từ pin lithium, ô tô điện, điện thoại thông minh, đến máy tính… Đây là giai đoạn cuối cùng mà chúng ta cần vượt qua để xây dựng nền công nghiệp cao đại chúng.
Bình luận (0)