Trong nhật ký hàng hải của tàu buôn Hà Lan Grol đến Đông Dương vào thế kỷ 17 ghi rõ chuyện Karel Hartsinck có cuộc mua bán với chúa Trịnh.
Thuyền mua bán năm 1909 - Ảnh: T.L |
Mồng 2 tháng sáu: Chúng tôi cho đò chở 14 người Hòa Lan (Hà Lan) ra tàu. Chúa sai một viên cai bạ trẻ đến hỏi ông Hartsinck xem có phải:
- Chúa Nguyễn đã nhượng lại cho chúng tôi Cù Lao Chàm; và chúa Nguyễn đã đem 17.000 lạng bạc mua 150 hạt ngọc của chúng tôi không?
Chúng tôi trả lời: Không, những chuyện ấy là do người Bồ Đào Nha bịa đặt ra cả.
- Có phải chúa Nguyễn đã lấy tiền của chúng tôi không?
Chúng tôi trả lời rằng có. Năm 1633, chúa Nguyễn cướp hết cả súng, tiền trên chiếc “Yacht” De Kemphaan đắm ở gần Cù Lao Chàm. Sau chúa Nguyễn còn tịch thu hết cả chỗ bạc do bọn thủy thủ chiếc “Yacht” Grootenbrock đắm ở đảo Paracelses, đã cứu được thủy thủ đoàn và đem vào xứ Đàng Trong.
- Thương hội có còn đòi chúa Nguyễn chỗ bạc ấy nữa không?
Chúng tôi trả lời còn.
- Thương hội có sẵn lòng giúp chúa Trịnh đánh nhau với chúa Nguyễn không?
Chúng tôi trả lời: Việc này phải do ông toàn quyền của thương hội quyết định.
- Nếu chúa Trịnh thắng được chúa Nguyễn thì hội có còn đòi chỗ tiền ấy nữa không?
Chúng tôi trả lời: Vẫn còn.
Mồng 3 tháng sáu: Chúa Trịnh bảo chúng tôi nộp hai hòm bạc rồi sẽ có tơ; tơ thứ hạng xấu.
Mồng 4 tháng sáu: Chiếc Galiore Bồ Đào Nha, rời Kẻ Chợ (tên gọi khác của Thăng Long - Hà Nội xưa - PV) bữa mồng 1 tháng năm, bị đắm trong vùng Hải Nam 350 tạ tơ mất cả, nhưng thủy thủ thoát chết, các giáo sĩ lên bộ đi Áo Môn (Macao).
Từ mồng 5 đến mồng 8 tháng sáu: Mấy điều lặt vặt về việc buôn bán.
Mồng 9 tháng sáu: Chúa lại triệu ông Hartsinck vào phủ, hỏi lại những câu hỏi đã thuật trên kia và ông Hartsinck cũng trả lời như trước.
Mồng 10 tháng sáu: Chúa lại dạm bán tơ nhưng theo những điều kiện mà chúng tôi không thể nhận. Chúng tôi được biết rằng chúa là một người ác và không đáng tin cậy. Người ta nghi rằng chúa vừa mới đánh thuốc độc em ruột. Dân chúng sợ chúa lắm.
Ngày 11 tháng sáu: Chúa Trịnh nhờ mấy người làm môi giới để lấy ba hòm bạc; chúa dọa sẽ bắt giam, nếu chúa không lấy được bạc. Muốn chiều lòng chúa, họ gom góp được nghìn lạng và các quan cai bộ cũng thêm được nghìn lạng nữa, còn thiếu bao nhiêu thì họ yêu cầu ông Hartsinck góp vào. Thoạt tiên, chúng tôi không chịu và nhắc lại sự thiệt thòi. Chúa đã lấy mất 20 hòm bạc và trả bằng tơ xấu, giá đắt lòi con ngươi; hai ông cai bộ cũng lấy 10 hòm bạc và cũng trả tơ xấu. Tàu đến 40 hòm bạc thì đã mất 30 hòm rồi, phải để dành 10 hòm cuối mà mua tơ của dân sự chớ. Vả chăng, chúa vẫn còn nợ chúng tôi và chúng tôi không hy vọng lấy lại chỗ tiền thiếu ấy mà không khỏi bị thắt nghẹt. Điều đình mãi, chúng tôi phải để chúa vay số bạc, lãi 2 phân một tháng gốc và lãi sang năm sẽ trả, khi chúng tôi trở lại Đàng Ngoài. Chúng tôi đã tính phác sơ rằng dùng tiền như thế sẽ được lãi 50, 60 phân nếu sang năm chúa trả chúng tôi. Nhưng chúng tôi ngờ vực sự thành thực của chúa… lắm.
Hôm nay, chúa ban yến cho mấy quan cai bộ để dò hỏi họ luôn thể xem ý kiến họ đối với chúng tôi ra sao? Họ trả lời tốt lắm; đồng thanh cho rằng người Hòa Lan đáng tin hơn người Trung Hoa, người Bồ Đào Nha và các dân tộc khác đã qua đây. Họ còn thuật lại những lời tâu ấy cho chúng tôi nghe; nhưng chúng tôi đã thừa biết rằng họ nói thế để mua chuộc cảm tình chúng tôi, chớ thật ra họ vẫn cấm dân sự buôn bán với chúng tôi, và họ giữ lấy tất cả số tơ trong xứ để bán lại rõ thật đắt.
Ngày 12 tháng sáu: Chúng tôi viết thư cho ông thuyền trưởng bảo ông gửi 1.200 lạng bạc.
Ngày 13 tháng sáu: Chúng tôi cố vận động để được yết kiến chúa hoặc các ông cai bộ. Nhưng không ăn thua. Một quan cai bộ trẻ đến thăm chúng tôi; chúng tôi bằng lòng giao cho ông 2 hòm bạc và cho giả cứ 1 fackaer (đơn vị đo lường trọng lượng của Hà Lan thời đó) bạc là 20 fackaer tơ. Ông ta hứa với chúng tôi nhiều điều lắm: năm nay chỉ có tơ xấu, nhưng sang năm tơ sẽ tốt hơn. Ông ta cho chúng tôi xem lệnh kỳ và ấn tín của vua. Ông phàn nàn về sự thất tín của… những người trung gian cần thiết trong sự giao dịch với dân sự. Ông khuyên sang năm chúng tôi nên đem thông ngôn ở Đàng Trong ra hoặc nơi khác đến.
Ngày 13 - 28 tháng sáu: Hàng khuân hết lên thuyền lớn rồi. Chúng tôi giao thêm một hòm bạc cho chúa.
Ngày 29 tháng sáu: Chúng tôi vào phủ từ biệt chúa. Chúa giao cho chúng tôi một bức thư cho ông toàn quyền của thương hội và ông trưởng hội ở Nhật Bản. Chúa giao cho chúng tôi một lá lệnh kỳ và một con dấu. Chúa lại yêu cầu hội giúp cho việc đánh bại chúa Nguyễn. Chúa hứa hẹn với chúng tôi nhiều lắm. Chúng tôi lại yêu cầu chúa tha những người Hòa Lan ra. Chúa bảo đã tha họ rồi.
Viên đốc công và người coi súng bị 30 người có khí giới đánh bị thương hôm nay.
Ngày 30 tháng sáu: Chúng tôi vào thưa quan cai bộ sự hành hung hôm qua; hình như chính quan cai bộ sai bọn thủ hạ của mình làm bậy. Ông chối nói không biết bọn hung đồ ấy và hứa sẽ nghiêm trị nếu bắt được chúng.
Người ta khuyên chúng tôi chớ làm đơn trình chúa vì không ăn thua gì đâu và lại làm chậm cuộc về của chúng tôi thôi.
Mồng 1 tháng bảy: Chúa giao tặng vật biếu ông toàn quyền và ông trưởng hội bên Nhật Bản.
Mồng 2 tháng bảy:
Ông Hartsinck rời khỏi xứ Đàng Ngoài.
Mồng 3, 5 tháng bảy: Đi đò xuôi sông và xuống đến thuyền lớn.
Mồng 6 tháng bảy:
Viên đốc công bị mổ. Tính mệnh ông nguy kịch lắm.
Mồng 7 tháng bảy:
Giương buồm.
Mồng 7 tháng tám: Sau 32 ngày thì hôm nay chúng tôi vào bến Hirado (Nhật Bản). Dọc đường, không có gì đáng kể.
Bình luận (0)