Việt Nam qua ghi chép người phương Tây: Thương nhân Pierre Poivre yết kiến Võ vương

29/03/2017 06:56 GMT+7

Trong thời gian Jean Koffler còn ở Đàng Trong thì đã xuất hiện tại phủ chúa một nhân vật phương Tây khác, lần này không phải là một giáo sĩ mà là một thương nhân. Đó là Pierre Poivre, một viên chức của Công ty Ấn Độ thuộc Pháp (Compagnie des Indes).

Năm 1749, Pierre Poivre được giao nhiệm vụ liên hệ với chính quyền Đàng Trong để xin dành cho Công ty Ấn Độ một số đặc quyền buôn bán. Ông ta lưu lại Đàng Trong những năm 1749 - 1750. Sau khi trở về Pháp, Poivre không có ý định xuất bản tác phẩm nào về chuyến đi Đại Việt. Thế nhưng, lúc đó ông ta khá nổi tiếng nên các nhà xuất bản châu Âu không bỏ lỡ cơ hội, tập hợp các bản ghi chép do Poivre gửi cho Viện Hàn lâm Lyon để in và phát hành tại Thụy Sĩ một tác phẩm có tựa đề Les voyages d’un philosophe (Những chuyến du hành của một nhà hiền triết, 1768) mà không hỏi ý kiến Poivre, cũng không buồn đề tên tác giả. Quyển sách tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó, người đọc theo dõi được cuộc hành trình của Poivre sang đất Đại Việt, những gì xảy ra trong thời gian ông ta lưu trú ở Phú Xuân.
Ngày 7.7.1749, từ Pondichéry, vùng đất Ấn Độ thuộc Pháp, Pierre Poivre khởi hành đến Đàng Trong. Chuyến đi trễ gần 5 tháng so với dự kiến. Cập bến Tourane (Đà Nẵng) ngày 29.8.1749, tàu vừa buông neo đã thấy viên quan phụ trách thu thuế có mặt để tìm hiểu mục đích chuyến đi của Poivre. Sau đó, tàu bị thủy quân Đại Việt canh giữ nghiêm ngặt, không ai được xuống tàu, các thủy thủ cũng không được lên bờ. Chi tiết này cho thấy việc kiểm tra, phòng bị vùng biển lúc bấy giờ đã có quy củ và khá chặt chẽ.
Poivre nhờ viên quan đang có mặt chuyển giúp một lá thư cho các giáo sĩ đang ở Phú Xuân, một lá thư khác cho người thông ngôn trong phủ chúa nhằm thông báo sự hiện diện của ông ta với tư cách là người thay mặt cho Công ty Ấn Độ để đàm phán thương mại với phía Việt. Không lâu sau, viên quan phụ trách kiểm tra tàu thuyền từ Faifo (Hội An) đến và cho phép Poivre cùng đoàn tùy tùng rời khỏi tàu. Họ được cấp cho một chỗ ở và được đưa lên bờ những món quà dành cho chúa Nguyễn, trong đó có hai con ngựa Pondichéry, bốn con heo trắng, một con gà trống Ấn Độ, một con gà Nhật… Poivre cũng được phép mang lên bờ 13 rương hàng hóa. Viên quan chịu trách nhiệm giám sát đoàn khách được Poivre gọi là “On cai bo tao”, tức “Ông cai bộ tàu” hay cai bạ tàu, một chức quan giữ việc kiểm tra tàu thuyền qua lại trong xứ.
Poivre cùng đoàn tùy tùng ở trong ngôi nhà dựng sẵn, chờ đợi từ ngày này qua ngày khác. Cứ vài ngày lại có một viên quan mới xuất hiện. Họ đến để giám sát việc làm của viên cai bạ tàu. Poivre chuẩn bị sẵn một lá thư, theo đó Công ty Ấn Độ thay mặt hoàng đế Pháp xin chúa Nguyễn cho phép buôn bán tại các hải cảng ở Đàng Trong và đề nghị ký kết một thương ước giữa hai nước. Bức thư được giáo sĩ Rivoal dịch ra ngôn ngữ Đại Việt. Trong thư, Poivre cũng ghi rõ là xin yết kiến Võ vương vào ngày 15.9.1749. Poivre định cùng đoàn tùy tùng 12 người mang tặng vật đi trên hai chiếc thuyền, nhưng trên đường đi, một cơn gió mạnh bất chợt nổi lên, các thủy thủ sợ nguy hiểm, không dám tiếp tục cuộc hành trình. Ngày 18.9, Poivre quyết định lên bờ, đi bằng đường bộ đến Phú Xuân. Chiều hôm đó, sau khi đi dọc theo bờ biển, họ dừng ở chân đèo Hải Vân. Thời kỳ này việc thông thương, buôn bán trên lãnh thổ Đại Việt đã khá thoải mái, nhiều người đi lại, nên Poivre bắt gặp nhiều hàng quán mọc lên khắp nơi. Một chi tiết chưa từng được các bút ký của người châu Âu nói đến, nay lần đầu tiên được Poivre đề cập tới, đó là sự phát triển của nghề mại dâm vào thời kỳ này trên các cung đường quen thuộc. Đoàn của ông từng là đối tượng mời gọi của những phụ nữ làm nghề đặc biệt này.
Xế chiều 22.9, họ dừng chân trước kinh thành Phú Xuân và ngày hôm sau được phép vào yết kiến Võ vương. Chúa chờ họ trong căn phòng rộng thường là nơi xem voi biểu diễn. Trước mặt Poivre là một Võ vương dịu dàng và tốt bụng, rất thích tìm hiểu về nước Pháp xa xôi. Chúa đặt ra cho Poivre hàng trăm câu hỏi về tuổi tác, vợ con của hoàng đế Pháp, tổ chức quân đội Pháp ra sao. Giữa buổi tiếp kiến, chúa đứng lên, bước xuống ngai, đến gần đoàn khách phương Tây, quan sát áo quần từng người một, lưu ý đặc biệt đến các mái tóc giả của họ. Về phần Poivre, ông ta cũng nhân cơ hội này ngắm nhìn người đứng đầu trăm họ ở Đàng Trong. Theo Poivre, Võ vương có một vóc dáng cao ráo, gương mặt lộ rõ nét tự mãn, đầu to, tóc hoa râm, được chải chuốt kỹ lưỡng, trán rộng, tai hơi dài, bụng to, bàn chân lớn… Trong bộ lễ phục, chúa trông sáng sủa và nổi bật giữa đám quan lại đang ngồi quanh ông. Mỗi lần muốn cười, ông hơi nhăn mặt lại, có lẽ để giấu bớt hàm răng chỉ còn vài cái đen nhánh và xệu xạo. Chi tiết này cùng với mái tóc hoa râm cho thấy nhà chúa có vẻ già trước tuổi, vì vào năm ấy (1749), ông mới 35 tuổi.
Buổi yết kiến đầu tiên chứa chan mỹ cảm, Võ vương ra lệnh mở tiệc thết đãi những người khách phương xa. Giữa bữa ăn, ông bước ra phòng ngoài dành cho đám tùy tùng của Pierre Poivre, quan sát cách ăn uống của họ, rồi ngồi xuống cạnh họ, giải thích tên từng món ăn, hỏi ý kiến từng người một và tỏ ra thích thú khi thấy họ lúng túng, vụng về trong việc sử dụng đũa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.