Việt Nam sẽ 'đốt' hàng chục tỉ USD mỗi năm cho điện than

11/06/2018 11:00 GMT+7

Nhập khẩu than đá trong 5 tháng đầu năm nay đạt gần 1 tỉ USD, tăng 50% về lượng so với cùng kỳ năm trước.

 Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm nay Việt Nam nhập khoảng 8,4 triệu tấn than, đạt kim ngạch hơn 985 triệu USD.
Hơn một nửa than được nhập khẩu từ Indonesia vì giá rẻ nhất trong số các nguồn cung với hơn 4,5 triệu tấn, giá trị hơn 318 triệu USD, giá trung bình chỉ 1,6 triệu đồng/tấn. Nga cung cấp gần 800.000 tấn, giá trị hơn 83 triệu USD, giá nhập bình quân 2,3 triệu đồng/tấn. Giá than Trung Quốc đắt nhất tới hơn 8 triệu đồng/tấn; sản lượng 307.000 tấn, trị giá 112 triệu USD.
Ngoài Tập đoàn Than - khoáng sản, Tập đoàn Điện lực, đối tượng được phép nhập khẩu than còn có các doanh nghiệp FDI nhập khẩu than phục vụ phát điện như Formosa và các nhà máy nhiệt điện than đầu tư theo hình thức BOT.
  Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), công suất điện than đến năm 2030 là 55.300 MW. Công suất này có thể đẩy Việt Nam tới việc lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung than nước ngoài. Để khắc phục, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, nên giảm công suất điện than từ 55.300 xuống còn khoảng 25.460 MW. Giải pháp này có thể thực hiện việc này vì hiện chúng ta còn hơn 20 nhà máy (tương đương 30.000 MW) nằm trong quy hoạch chưa được xây dựng.
Giảm 30.000 MW điện than sẽ giảm áp lực huy động 60 tỉ USD vốn đầu tư cho những dự án than này. Tránh được việc đốt khoảng 70 triệu tấn than/năm tương ứng với 7 tỉ USD/năm cho việc nhập khẩu than. Giảm phát thải khoảng 116 triệu tấn CO2/năm so với Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đưa Việt Nam theo đúng với mục tiêu của Thỏa thuận về biến đổi khí hậu Paris. Đặc biệt, sẽ giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước sẽ giúp tránh được khoảng 7.600 ca tử vong sớm hằng năm vào năm 2030.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.