Việt Nam sẽ thành điểm đến của các nhà làm phim Hollywood

10/03/2017 17:13 GMT+7

Bộ phim Kong: Skull Island vừa chiếu ra mắt đã làm nức lòng những ai quan tâm và yêu mến Việt Nam. Phải nói, Việt Nam chính là bối cảnh hoàn hảo giúp chuyển tải thành công nội dung cho bộ phim bom tấn toàn cầu này.

Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với ông Tim Liston, Phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM ngay sau buổi chiếu ra mắt tối 9.3. Ông cho biết “rất tự hào, xúc động vì sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam qua dự án này”.
* Cảm nghĩ của ông sau khi xem bộ phim Kong: Skull Island do Mỹ sản xuất với nhiều bối cảnh được quay tại Việt Nam?
- Ông Tim Liston: Mỹ rất tự hào được đóng góp một phần để bộ phim này thành hiện thực. Nền điện ảnh Mỹ kết hợp hoàn hảo cùng vẻ đẹp tự nhiên của Việt Nam để làm nên bộ phim này.
VN sẽ thành điểm đến của các nhà làm phim Hollywood!1
VN sẽ thành điểm đến của các nhà làm phim Hollywood!2
Cảnh trong phim Kong: Skull Island
*  Để có sự hợp tác lần này giữa Mỹ và Việt Nam qua bộ phim, phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam (bao gồm cả Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam) có sự trợ giúp gì cho đoàn làm phim cũng như phía Việt Nam?
- Phái đoàn Ngoại giao Mỹ đánh giá cao sự phối hợp giữa hãng Warner Brothers, Legendary Pictures và Chính phủ Việt Nam để có được mọi thủ tục giấy tờ cần thiết để quay bộ phim này tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng việc sản xuất thành công bộ phim này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả Việt Nam và Mỹ. Bất kỳ khi nào được yêu cầu, chúng tôi đều làm việc tích cực để kết nối các doanh nghiệp Mỹ với các cơ hội ở nước ngoài. Trong trường hợp này, chúng tôi đã giúp Hollywood giới thiệu những điều tốt đẹp nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng được hưởng lợi từ những điều tốt đẹp nhất của ngành điện ảnh Mỹ.
* Ông thấy hiệu ứng hình ảnh Việt Nam: cảnh đẹp, du lịch Việt Nam qua bộ phim với khán giả trên toàn thế giới như thế nào? Và phía Mỹ có động thái nào kêu gọi du khách đến khám phá Việt Nam sau bộ phim ấn tượng này?
VN sẽ thành điểm đến của các nhà làm phim Hollywood!3
Kỹ xảo là điểm mạnh của phim
- Khi người Mỹ xem bộ phim này, tôi nghĩ một cách tự nhiên họ sẽ có khuynh hướng đến thăm những nơi rất đẹp xuất hiện trong bộ phim. Nếu các kinh nghiệm từ trước đến giờ là chính xác thì những bộ phim thành công tại rạp cũng sẽ thành công trong việc quảng bá du lịch. Hãy xem những gì bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn (Lord of the Rings) đã làm được cho ngành du lịch New Zealand và bộ phim Trái tim dũng cảm (Braveheart) đối với Anh hoặc Nhiệm vụ bất khả thi 2 (Mission Impossible 2) đối với Úc.
* Ông nghĩ Việt Nam cần phải làm gì để phát triển du lịch, quảng bá đất nước nhân sự kiện “lần đầu tiên gây chú ý lớn trên thế giới với Kong: Skull Island” lần này?
- Bộ phim này là cơ hội để giới thiệu những điều tốt đẹp nhất của Việt Nam và quảng bá Việt Nam không chỉ là điểm đến cho du lịch mà còn là điểm đến cho phim ảnh và nghệ thuật. Tôi tin sau bộ phim này, Việt Nam sẽ thành điểm đến của các nhà làm phim Hollywood. Thế giới càng trải nghiệm nhiều những điều tốt đẹp nhất của Việt Nam thì Việt Nam càng gắn kết và hưởng lợi từ nền kinh tế thế giới.
* Từ thành công của Kong: Skull Island lần này, phía Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam có khuyến khích, kêu gọi các nhà làm phim Mỹ đến quay hình và sẽ hỗ trợ hết mình (về thủ tục, liên hệ… chẳng hạn)? Ông mong muốn phía Việt Nam sẽ tạo điều kiện như thế nào trong hợp tác với Mỹ để thu hút các đoàn phim đến đây không?
- Ngành điện ảnh Mỹ đứng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất phim và Chính phủ Mỹ đánh giá cao sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam cho dự án này. Sự giúp đỡ này đã hỗ trợ rất tuyệt vời cho ngành kinh doanh của Mỹ đồng thời cũng đem lại lợi ích cho chính Việt Nam. Những lợi ích đem lại không chỉ bao gồm những khích lệ về tài chính lâu dài có thể giúp xây dựng Việt Nam thành điểm đến của ngành làm phim mà còn là cơ hội để Hollywood hỗ trợ kỹ thuật giúp phát triển ngành điện ảnh Việt Nam và quảng bá Việt Nam là điểm du lịch đến mọi người dân trên khắp thế giới. Thật tuyệt vời nếu Việt Nam có thể hưởng lợi, như Thái Lan đã và đang hưởng lợi từ ngành sản xuất phim rất mạnh mẽ của nước ngoài. Theo Cục Điện ảnh Thái Lan (Thailand Film Office), năm 2015 đã đem về cho Thái Lan 89 triệu USD doanh thu từ 724 bộ phim, trong đó có 63 phim truyện do nước ngoài sản xuất tại nước này.
Ngoài ra, ngành điện ảnh còn là cầu nối giữa ngành nghệ thuật và chính phủ để giải quyết những vấn đề mà cả hai cùng quan tâm, đó là: Quyền sở hữu trí tuệ, sao chép bất hợp pháp, phát tán nội dung trên mạng. Những bộ phim như thế này có được là nhờ quyền sở hữu trí tuệ được thực thi rất tốt tại Mỹ. Việc thực thi tốt giúp nghệ sĩ, doanh nhân và các nhà lý luận có thể biến ý tưởng của họ thành hiện thực mà không sợ bị can thiệp hoặc ăn cắp. Chúng tôi cũng trông đợi Việt Nam cũng sẽ thực thi tốt quyền sở hữu trí tuệ như Mỹ cũng như nền kinh tế sáng tạo và đổi mới mà Việt Nam sẽ tạo ra.
* Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.