Việt Nam thúc đẩy phát triển công nghiệp dược

10/04/2023 06:05 GMT+7

VN xác định phát triển công nghiệp dược hướng đến sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, vắc xin, sinh phẩm là chiến lược quan trọng trong thời gian tới.

Theo Quyết định số 376/QÐ-TTg của Chính phủ phê duyệt "Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", mục tiêu đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường. Ðến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường; chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc xin, sinh phẩm y tế và thuốc mà VN chưa sản xuất được.

Ðể đạt được mục tiêu mong muốn, Bộ Y tế đang phối hợp các bộ liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp dược nội; trong đó, ưu tiên phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao mang thương hiệu quốc gia.

Việt Nam thúc đẩy phát triển công nghiệp dược - Ảnh 1.

Bộ Y tế và nhiều bộ liên quan triển khai các ưu đãi phát triển vùng dược liệu đạt chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới

Ð.HUY

Mới đây nhất, Quỹ Makara Capital và liên danh đã ký với UBND tỉnh Thái Bình biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp dược - sinh học có quy mô khoảng 300 ha, tổng vốn đầu tư 150 - 200 triệu USD; tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án thứ cấp dự kiến khoảng 2,8 tỉ USD. Dự kiến, khu công nghiệp này sẽ được lấp đầy vào năm 2030.

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), ngành dược nội đang nhập khẩu 3,5 tỉ USD, xuất khẩu còn khiếm tốn (trên 200 triệu USD); nguyên liệu hóa dược vẫn phải nhập trên 90%. Tuy nhiên, với nỗ lực đầu tư về công nghệ, trong nước đã có 230 nhà máy đạt GMP WHO (tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới - WHO) và 15 nhà máy đạt GMP EU. Ngành dược VN đang được WHO xếp bậc 3/4, là nước đã chủ động được thuốc generic (là bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự nhau) và có thuốc xuất khẩu. Thuốc trong nước sản xuất đáp ứng 70% về số lượng, đạt gần 50% về giá trị (do chúng ta sản xuất trong nước với giá thành thấp hơn nhập khẩu).

Quy mô ngành dược liên tục tăng, trong năm 2022 đạt 6,2 tỉ USD và ước đạt 6,5 - 7 tỉ USD trong giai đoạn 2023 - 2024. Thời gian tới, ngành dược trong nước phấn đấu đạt mức độ 4 theo chuẩn của WHO, là nền công nghiệp dược đảm bảo được thuốc generic, có thuốc xuất khẩu và sản xuất được thuốc phát minh.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết tăng cường thu hút đầu tư vào khu công nghiệp là một trong những giải pháp đảm bảo an ninh dược; khi đó VN chủ động hơn nguồn hàng, đặc biệt với các thuốc có hàm lượng công nghệ cao, thuốc hiếm.

Bộ Y tế đang cùng các bộ: Công thương, Ngoại giao, Tài chính, KH-CN triển khai kế hoạch cụ thể, giải pháp đồng bộ từ xúc tiến đầu tư đẩy mạnh xuất khẩu; các chính sách ưu đãi về công nghệ phát triển công nghiệp dược, sử dụng thuốc trong nước… "Các giải pháp đồng bộ sẽ mở ra cơ hội mới cho ngành dược VN. Và không chỉ người Việt dùng thuốc Việt mà sẽ là thế giới dùng thuốc Việt", lãnh đạo Cục Quản lý dược kỳ vọng.

Nhấn mạnh yếu tố minh bạch để đảm bảo công khai, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển nền công nghiệp dược VN trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Quản lý dược nêu 3 nhóm vấn đề phải đạt được. Ðó là minh bạch các quy định về công vụ (quy định rất rõ ai được quyền làm gì, làm đến đâu, chức năng nhiệm vụ rõ ràng); minh bạch các quy trình, đảm bảo phải cụ thể, rõ ràng, đúng người, đúng việc, đúng thời gian; minh bạch thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.