Tại Hội nghị kiểm soát nhiễm khuẩn trong ngoại khoa do Bệnh viện (BV) Bình Dân TP.HCM tổ chức ngày 7.9, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm toàn cầu có khoảng 180 triệu ca mổ.
Biến chứng mổ gây thương tật từ 3-6%, 5-10% trường hợp bị nhiễm khuẫn vết mổ (NKVM), tử vong viên quan đến mổ từ 0,4-0,8%, tức có tối thiểu khoảng 7 triệu ca biến chứng và 1 triệu ca tử vong trên toàn cầu hằng năm.
Việt Nam thuộc nhóm NKVM cao với 10,9%, cao hơn rất nhiều so với các nước Pháp (chỉ 3,3%), Mỹ (2,6%), nước láng giềng là Thái Lan chỉ có 1,4%...
Việc NKVM bệnh nhân khiến thời gian nằm viện kéo dài từ 5 - 20 ngày, mất giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân khác và mất nhiều chi phí.
Tại Mỹ, nếu 1 ca mổ không có biến chứng thì chỉ tốn 14.000 USD, trong đó chi phí cho chăm sóc là khoảng 11.000 USD. Nhưng nếu có biến chứng NKVM thì phí chăm sóc tăng lên gấp đôi, lợi nhuận BV giảm nhưng kiện tụng thì rất nhiều.
Nguyên nhân gây NKVM là do liều lượng nhiễm khuẩn, độc lực của vi khuẩn và sức đề kháng của bệnh nhân.
WHO đã đưa ra các biện pháp giảm NKVM, đó là: đánh giá đầy đủ tất cả bệnh nhân trước mổ, giảm nhập viện trước mổ, đánh giá và điều trị bệnh nhiễm trùng trước mổ, sử dụng kháng sinh dự phòng phù hợp, rút ngắn thời gian mổ…
Bình luận (0)