Việt Nam thuộc top tăng trưởng cao, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD

05/01/2024 10:52 GMT+7

Ngày 5.1, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Báo cáo tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhắc lại bối cảnh khó khăn của năm 2023, với hậu quả từ đại dịch Covid-19 kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraine và tại Dải Gaza diễn biến phức tạp.

Việt Nam thuộc top tăng trưởng cao, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD- Ảnh 1.

Hội nghị có sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai và các phó thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương

NHẬT BẮC

Dù vậy, nhờ các biện pháp chỉ đạo quyết liệt, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đạt 5,05%, thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỉ USD. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022.

Khu vực nông nghiệp là điểm sáng, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, năm 2023 tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 683 tỉ USD; xuất siêu khoảng 28 tỉ USD, nhiều nhất từ trước đến nay.

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "ổn định". Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 2 trong 62 nước được nâng hạng.

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỉ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020 - 2022.

Việt Nam thuộc top tăng trưởng cao, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD- Ảnh 2.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ đọc báo cáo tổng kết kinh tế - xã hội năm 2023

NHẬT BẮC

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2% so với năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), số tuyệt đối đạt gần 676.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146.000 tỉ đồng so với năm 2022.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỉ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỉ USD (tăng 3,5%), cao nhất từ trước đến nay, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và là hiệu ứng của chính sách ngoại giao "cây tre".

Vốn đầu tư ra nước ngoài đăng ký lũy kế đạt 22,1 tỉ USD; lợi nhuận chuyển về nước đạt 2 tỉ USD. Có 217.700 doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường, tăng 4,5% so với năm 2022. Đã đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách.

Cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh; tích cực thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, năm 2023, tỷ trọng kinh tế số ước đạt khoảng 16,5% GDP, là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 - 2023).

Nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Thanh Hóa… tiếp tục phục hồi và là điểm sáng trong thu hút đầu tư.

GRDP của nhiều tỉnh, thành phố đạt mức tăng trưởng khá cao như Bắc Giang, Hậu Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Nam Định

Triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước tăng 7,6%, chuyển cơ quan điều tra tăng 12,5% số vụ so với năm 2022.

Các cơ quan điều tra của Bộ Công an đã thụ lý điều tra trên 1.100 vụ án với gần 3.000 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó có những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư theo dõi, chỉ đạo.

Bên cạnh đó, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng, bài bản, liên tục, thành công toàn diện. Đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chúng ta đã đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Tổng thống Mỹ và nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các nước.

Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nhiều nước G20.

Doanh nghiệp giải thể, phá sản vẫn tăng cao

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung khắc phục. Trong đó, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực, thế giới song chưa đạt mục tiêu đề ra.

Sản xuất và cung ứng điện cơ bản đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên vẫn còn tình trạng thiếu điện cục bộ trong tháng 5 và tháng 6.2023 chủ yếu do khâu điều độ, truyền tải và phân phối còn bị động, lúng túng.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ trong, ngoài nước suy giảm.

Việt Nam thuộc top tăng trưởng cao, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD- Ảnh 3.

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tham dự hội nghị

NHẬT BẮC

Bên cạnh đó, tiếp cận tín dụng còn khó khăn. Thị trường bất động sản dù được cải thiện nhưng còn trầm lắng chủ yếu do bất cập về phân khúc và vướng mắc về pháp lý. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được tháo gỡ và tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhưng còn tiềm ẩn rủi ro.

Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, trong đó có việc đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.

Công tác phòng, chống cháy nổ còn để xảy ra một số vụ việc, tai nạn nghiêm trọng như cháy chung cư "mini"...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.