Tọa đàm "Công nghiệp dược Việt Nam và hành trình tham gia toàn cầu hoá" được Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp Newtechco Group tổ chức tối nay 31.7, tại Hà Nội. Tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Nâng cao năng lực ngành dược trong nước
Với mục tiêu phát triển ngành dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo cho người dân tiếp cận thuốc với mức chi phí hợp lý, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất thuốc, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công, chuyển giao công nghệ; đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và nâng cao giá trị xuất khẩu, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bà Võ Thị Tuấn Anh, Chủ tịch Tập đoàn Newtechco, trong thời gian qua, ngành y tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, chủ động nguồn dược phẩm và trang thiết bị. Tuy vậy, trước nhu cầu ngày càng tăng cao của xã hội, cũng như các nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực, chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn. Cùng với đó, chi phí logistics tăng cao, các nguồn dược phẩm và thiết bị y tế sẽ trở nên khan hiếm, dẫn đến giá thành tăng, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
PGS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học của Bộ Y tế, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết ngành công nghiệp dược của nước ta có tốc độ tăng trưởng cao trong 10 năm qua với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 7,3%. Thị trường thuốc Việt Nam đạt khoảng 7 tỉ đô la Mỹ (2023), bình quân tiêu thụ thuốc đạt 70 đô la Mỹ/đầu người, tăng gấp 10 lần so với năm 2000.
Tuy nhiên, hiện công nghiệp dược Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Trong đó, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ ngành công nghiệp dược trong nước còn thấp. Hiện chỉ có 17/250 nhà máy đạt GMP tiên tiến (EU, PIC/S, JAPAN, TGA…). Hơn 200 nhà máy đạt WHO GMP thực hành sản xuất thuốc tốt theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới nhưng không có nhà máy nào được WHO tiền thẩm định (WHO pre qualification). Tiền thẩm định có ý nghĩa quan trọng, thuốc Việt có cơ hội đấu thầu, cung ứng thuốc cho các chương trình của WHO trên toàn thế giới, ví dụ như thuốc HIV, thuốc sốt rét.
Trước thực trạng này, tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đầu ngành và đại diện doanh nghiệp dược cùng chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp để phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam.
Về giải pháp cho ngành Công nghiệp dược Việt Nam trong hành trình tham gia toàn cầu hoá, ông Truyền cho rằng, trong nước cần có chính sách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy dược phẩm hiện có; đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp dược để xây dựng và phát triển nhà máy mới, đặc biệt các nhà máy sản xuất thuốc sinh học, sinh học tương tự.
"Cùng với đó, mỗi doanh nghiệp cần xem xét, điều chỉnh, thay đổi chiến lược phát triển trung và dài hạn để phù hợp với chiến lược phát triển của Nhà nước, môi trường kinh doanh quốc tế, khu vực và trong nước; từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp dược Việt Nam. Người đứng đầu có vai trò quyết định cho hướng phát triển của mỗi đơn vị", ông Truyền nhấn mạnh.
Công nghiệp dược sinh học sẽ bứt phá
Ông Truyền cũng đặc biệt lưu ý: "Trong các thập kỷ tới, sự thay đổi cấu trúc thị trường dược phẩm từ thuốc hóa dược sang thuốc sinh học, sinh học tương tự sẽ diễn ra rất mạnh mẽ. Thị phần thuốc sinh học, sinh học tương tự sẽ chiếm khoảng 40% thị trường dược phẩm toàn cầu và Đông Nam Á do già hóa dân số và chuyển đổi mô hình bệnh tật".
Trao đổi sâu về cấu trúc thị trường dược và cơ hội thu hút các nhà đầu tư quốc tế, tạo bước phát triển cho công nghiệp dược Việt Nam, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực dược và đại diện hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá tiềm năng vượt trội của Việt Nam, giúp cạnh tranh hơn so với những nước khác trong khu vực để có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, Việt Nam có ưu thế về thị trường, nguồn nhân lực và định hướng phát triển công nghiệp dược đã được phê duyệt với các ưu đãi cho phát triển công nghiệp dược, chuyển giao công nghệ, thuốc phát minh.
Đáng lưu ý, thông tin tại tọa đàm cho biết, trong nước sẽ hình thành Khu công nghiệp Dược - sinh học tại tỉnh Thái Bình. Đây là khu công nghiệp dược - sinh học quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ đầu tiên tại Việt Nam.
Các thủ tục thực hiện dự án đang được triển khai khẩn trương, đảm bảo tuân thủ các quy định, dự kiến năm 2025 có thể khởi công và xúc tiến đầu tư.
Dự án này không chỉ thu hút các hãng dược phẩm, thiết bị y tế về Việt Nam sản xuất mà còn là cơ hội để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát minh, các sản phẩm sinh - dược phẩm, hướng đến xuất khẩu với giá trị cao. Đặc biệt, người dân cũng sẽ được hưởng những thành quả khoa học công nghệ và tiếp cận dịch vụ y tế tốt với chi phí thấp.
Các chuyên gia dược phẩm nhìn nhận, với Khu công nghiệp Dược - sinh học quy mô lớn, trong nước sẽ có cơ hội tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ sinh học sản xuất thuốc, trong đó có thuốc ung thư. Các bác sĩ và người bệnh có thêm cơ hội lựa chọn phương pháp điều trị với những ưu thế mới, mà các thuốc hóa dược hiện chưa thể "đảm đương" hết.
Bình luận (0)