img

Từ sau tuyên bố đầy thách thức nhưng quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COPH26, phát triển xanh đã trở thành điều kiện tiên quyết của rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức và Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên trong khu vực có kế hoạch chính thức để phát triển kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam trên ‘hành trình xanh’ - Ảnh 1.

Đơn hàng lao dốc, hàng loạt công ty cắt giảm lao động do thị trường thế giới khó khăn, đó là tình trạng chung của các nước xuất khẩu dệt may thế giới hiện nay. Nhưng Bangladesh, một trong những đối thủ của VN vẫn "ung dung" duy trì mức tăng trưởng ấn tượng nhờ nhanh chân trong thực hiện chiến lược "xanh hóa" dệt may. Cụ thể, nước này đã "lột xác" các nhà máy với cơ sở hạ tầng tồi tàn, thậm chí là có tai nạn lao động thành những địa chỉ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn xanh.

9/10 nhà máy "xanh" của ngành dệt may lớn nhất thế giới nằm ở Bangladesh. Mỹ, EU... những đối tác nhập khẩu dệt may lớn nhất toàn cầu đều chú trọng tiêu chuẩn xanh nên đơn hàng đổ dồn về đây. Thị trường đã thiếu hụt càng trở nên khó khăn hơn với những nhà xuất khẩu còn lại. Thực tế, nguy cơ mất vị trí số 2 trong bản đồ xuất khẩu dệt may thế giới về tay Bangladesh vì "tiêu chí xanh" đã được đặt ra từ cuối năm 2022. Thế nhưng đến tháng 5 vừa rồi, hiện tượng Bangladesh một lần nữa được đặt ra và giải mã một cách thấu đáo. Xanh hóa dệt may không còn và không thể là "kế hoạch" trong các bản chiến lược phát triển của mỗi doanh nghiệp mà trở thành lựa chọn sống còn của ngành này: Xanh hay là chết.

Việt Nam trên ‘hành trình xanh’ - Ảnh 2.

Ông Lý Minh Tuấn, đại diện Ban điều hành Quỹ Vì Tương lai Xanh công bố 10 chương trình hành động trọng điểm của quỹ

Không chỉ dệt may, sản xuất xanh được áp dụng với tất cả các lĩnh vực ngành nghề và khái niệm xanh mỗi ngày được "nới" thêm các quan điểm mới. Tháng 6 vừa rồi, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua đạo luật cấm nhập khẩu vào EU các sản phẩm có liên quan hoạt động phá rừng.

Đáng nói, Nghị viện châu Âu định nghĩa rộng hơn về suy thoái rừng gồm cả việc chuyển đổi rừng nguyên sinh hoặc rừng tái sinh tự nhiên thành rừng trồng hoặc thành đất có rừng khác. Điều này có nghĩa rừng sản xuất, chủ yếu trồng cây công nghiệp như cao su, hạt điều, cà phê, hồ tiêu, dừa, chè... đang chiếm tới hơn 52% diện tích rừng của VN có nguy cơ bị liệt vào khái niệm suy thoái rừng.

Việt Nam trên ‘hành trình xanh’ - Ảnh 3.

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tại lễ công bố 10 chương trình hành động trọng điểm vì một tương lai xanh

Theo luật mới, các sản phẩm như gia súc chăn thả, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, cao su, kể cả các sản phẩm có chứa hay được nuôi và được tạo ra bằng cách sử dụng từ các nguyên liệu thô như thức ăn gia cầm gia súc, da, sô cô la, đồ nội thất, than củi, giấy in và một số dẫn xuất dầu cọ đều nằm trong phạm vi điều chỉnh. "Chiếu" theo đó, gần như toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu chính của VN sang các nước EU hiện nay đều nằm trong danh mục nói trên.

Có thể thấy, kinh tế xanh, phát triển bền vững... là xu thế tất yếu và trở thành lợi thế cạnh tranh mới của tất cả các quốc gia trên thế giới. Muốn xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, chúng ta phải theo luật chơi của họ, không có lựa chọn khác.

Việt Nam trên ‘hành trình xanh’ - Ảnh 4.

Nghi thức chính thức phát động chiến dịch hành động “Vì một Việt Nam Xanh”

Việt Nam trên ‘hành trình xanh’ - Ảnh 5.

Nhưng xanh không chỉ để bán hàng ra thế giới, xanh còn để bảo vệ môi trường sống của người dân; để thu hút nhà đầu tư cũng như du khách đến với mình. Điều đó càng trở nên rõ ràng hơn khi trải nghiệm chuyến tàu sắt độc đáo nhất thế giới ở VN.

Dù 15 giờ chuyến tàu từ ga Đà Lạt đến Trại Mát mới bắt đầu nhưng trước đó cả tiếng đồng hồ, du khách trong và nước ngoài đã có mặt tại ga Đà Lạt. Tuyến đường sắt độc nhất vô nhị của Đông Dương và cũng là một trong hai tuyến đường sắt kỳ lạ nhất thế giới được thiết kế theo kết cấu răng cưa để có thể leo qua con đèo Sông Pha cao tới 1.500m so với mặt nước biển..., là điểm check-in không thể thiếu khi đến với thanh phố ngàn mây. Đặc biệt, cảm giác được lắc lư trên những toa xe bằng gỗ, thiết kế của châu Âu hàng trăm tuổi, trong tiếng "xình xịch" đặc trưng của đầu máy hơi nước là trải nghiệm thú vị và ấn tượng với mọi du khách.

Việt Nam trên ‘hành trình xanh’ - Ảnh 6.

Không gian triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh và các hoạt động bên lề trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần thứ 4 năm 2023, chủ đề "Tăng trưởng xanh - hành trình hướng tới giảm phát thải bằng 0" tại TP.HCM

Thế nhưng, trải nghiệm đó bị cắt lát bởi những mảng trắng nhà kính, nhà lưới lấn lướt màu xanh của cỏ cây hoa lá ở vùng đất nổi tiếng với khí hậu ôn hòa này. Những cái nhíu mày, những cánh tay chỉ trỏ; những tiếng chép miệng tiếc rẻ... của du khách khi con tàu chầm chậm trôi qua những khoảng không gian phủ trắng ảm đạm bao trùm phía dưới là điều có thể hiểu được. Các cảnh báo nhà kính sẽ phá hủy cảnh quan mộng mơ và sức khỏe hệ sinh thái của Đà Lạt có từ khá sớm nhưng bị xem nhẹ dẫn đến hệ quả: Đà Lạt ngày nay đã bị "đổi màu". Không chỉ ở khu vực trồng rau, hoa mà nhà kính, nhà lưới còn vây cả các khu dân cư, tràn từ vành đai vào trung tâm. Thậm chí, cái tên gọi Đà Lạt, thành phố trong lồng kính ngày càng trở nên phổ biến.

Việt Nam trên ‘hành trình xanh’ - Ảnh 7.

Để cứu Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã lên chiến lược, đến năm 2030, Đà Lạt sẽ không còn nhà kính. Quyết định này gây nhiều tranh cãi bởi nông nghiệp vốn là thế mạnh của địa phương. Nhiều thế hệ gia đình đã gắn bó với trồng hoa, trồng rau cho đến tận bây giờ. Sam, cô hướng dẫn viên người Đà Lạt đưa chúng tôi trên chuyến tàu cổ những ngày đầu tháng 9 nói, dù có nhiều bạn bè, người quen làm nông nghiệp nhà kính nhưng cô ủng hộ quyết định này. Xanh hóa Đà Lạt để phát triển bền vững là điều mà tất cả mọi người đều mong muốn để trả lại lợi thế và vẻ đẹp đặc trưng của vùng đất này. Chính quyền Lâm Đồng cũng đang quyết liệt thực hiện chiến lược hồi sinh Đà Lạt trong xu thế phát triển bền vững tất yếu hiện nay.

Trần Ngọc

Tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM cuối tuần qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới. Để thực hiện quyết tâm trên, thành phố đã nghiên cứu đề ra khung chiến lược phát triển xanh, cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Theo đó, thành phố sẽ thí điểm xây dựng Cần Giờ trở thành địa phương xanh, đây là địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của VN với quốc tế.

"Muốn vậy, phải tập trung xây dựng giao thông xanh, các phương tiện giao thông phải sử dụng nhiên liệu xanh, năng lượng xanh, xử lý rác thành điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt tại Cần Giờ. Du lịch không thải rác nhựa, phát triển du lịch xanh và thí điểm tín chỉ carbon với rừng Cần Giờ..." - ông Mãi nói.

Địa phương lên kế hoạch giảm phát thải nhanh hơn so với lộ trình chung của quốc gia đã giúp Nhật Bản trở thành một trong những hàng đầu thế giới về tăng trưởng xanh. Tại VN, trong những năm qua, tăng trưởng xanh đã được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nhiều tỉnh/thành trên cả nước, như một lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch cũng như đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải ròng về 0% mà Chính phủ đã cam kết.

Việt Nam trên ‘hành trình xanh’ - Ảnh 9.

Việt Nam trên ‘hành trình xanh’ - Ảnh 10.

Nhưng doanh nghiệp chính là đội ngũ đi tiên phong. Lợi thế diện tích đất lớn, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã chủ động áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ngay từ khi bước vào chăn nuôi trồng trọt. Thế nhưng, phải đến tháng 7 vừa rồi, khi quy định cho phép sử dụng nước thải chăn nuôi (hợp quy) tưới cây trồng có hiệu lực và công nghệ thủy phân để xử lý phụ phẩm trong chăn nuôi mà tập đoàn này chuyển giao, nghiên cứu thành công thì mới "tuần hoàn 100%" như lời ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai tự hào giới thiệu.

Cụ thể, các nông trại nuôi heo của Hoàng Anh Gia Lai nằm trong vùng lõi của các trang trại chuối. Chất thải từ trang trại nuôi heo được xử lý thành phân hữu cơ bón gốc cây chuối và nước thải sau khi xử lý vi sinh được tưới cho cây chuối. Những phụ phẩm của ngành chăn nuôi heo được xử lý bằng công nghệ thủy phân thành phân bón lá chất lượng cao sử dụng phun cho cây chuối và các loại cây ăn trái khác như sầu riêng, bưởi… Chuối thải loại không đủ điều kiện xuất khẩu được chế biến thành thức ăn gia súc, tạo ra sự khác biệt về chất lượng thịt Babi Hoàng Anh Gia Lai. Thân chuối, cùi chuối… được xử lý thành phân hữu cơ phục vụ cho trồng trọt, cải tạo đất. "Không lọt bất cứ cái gì ra ngoài mà hiệu quả cực cao, năm sau mô hình tuần hoàn tuyệt đối này có thể mang về cả trăm tỉ đồng" - bầu Đức nhấn mạnh.

Việt Nam trên ‘hành trình xanh’ - Ảnh 11.

Nhóm thiện nguyện Sài Gòn Xanh cùng Quỹ Vì Tương lai Xanh dọn 20 tấn rác tại hẻm Rạch, cầu Sơn, Q.Bình Thạnh

Ở vùng đất Phan Rang (Ninh Thuận) với khí hậu khắc nghiệt, trang trại Nắng và Gió của GC FOOD mỗi năm xử lý trên 1.000m3 vỏ lá nha đam thải bỏ từ nhà máy; tận dụng nguồn phân bò sẵn kết hợp vỏ lá nha đam chế biến sản xuất làm phân bò nha đam sử dụng cho nho, táo, ổi, dưa lưới... Tận dụng phế phẩm từ nông nghiệp giúp GC FOOD mỗi năm tiết kiệm hàng tỉ đồng chi phí mua phân hữu cơ, chi phí vi sinh phục vụ ủ phân và trồng trọt lẫn chăn nuôi.

Năm 2022 tại Pháp, Vinamilk là đại diện duy nhất của ngành sữa Đông Nam Á được mời để chia sẻ về định hướng phát triển bền vững thông qua mô hình Trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm và chuỗi giá trị "xanh" để sản xuất sản phẩm sữa tươi 100% Vinamilk Green Farm.

Khoảng 1 năm sau, ngày 15.8 vừa rồi tại lễ rung chuông chính thức trên sàn Nasdaq (Mỹ), bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc toàn cầu VinFast khẳng định, đây là cột mốc quan trọng trong nỗ lực xây dựng một tương lai xanh hơn cho tất cả mọi người thông qua di chuyển bền vững.

Việt Nam trên ‘hành trình xanh’ - Ảnh 12.

Theo ông Don Lâm, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital: 10 - 20 năm trước, rác thải nông nghiệp là gánh nặng rất lớn ở VN. Ngày nay, phần lớn rác thải đó có thể được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất viên nén sinh khối, giảm nhu cầu về năng lượng hóa thạch. Đây là kinh tế tuần hoàn và Nestlé đang sản xuất gạch, phân bón từ các phế phẩm và vật liệu lợp mái nhà từ hộp sữa; Heineken VN tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% rác thải hoặc sản phẩm phụ của quá trình sản xuất bia; Unilever VN đã thực hiện một chương trình thu gom và tái chế bao bì nhựa... Không có lý do gì để các doanh nghiệp VN không đi đầu trong áp dụng các thực tiễn kinh tế tuần hoàn".

Có rất nhiều thách thức, khó khăn, thậm chí là những cản lực. Thế nhưng, đúng như nhận xét của ông Don Lâm, không có lý do gì để các doanh nghiệp VN không đi đầu trong mô hình kinh tế tuần hoàn trên sân chơi toàn cầu. Hành trình xanh của VN đang được viết lên bởi các câu chuyện đầy cảm hứng và quyết liệt như vậy.

Việt Nam trên ‘hành trình xanh’ - Ảnh 13.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.