Việt Nam trong cuộc chiến Trung - Pháp

01/10/2022 07:33 GMT+7

Trước khi Pháp tiến hành cuộc viễn chinh Nam kỳ, dẫn đến sự việc triều đình Huế cắt nhượng 3 tỉnh miền Đông cho người Pháp thông qua Hòa ước Nhâm Tuất (1862), về danh nghĩa Đại Nam là một chư hầu của Trung Hoa trong trật tự Đông Á truyền thống.

Hòa ước Giáp Tuất (1874) buộc triều đình Huế chấp nhận một thực tế diễn ra từ năm 1867, tức hành động đơn phương chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ của Phó đô đốc de La Grandière. Đặc biệt, qua điều khoản (điều 3) về vấn đề ngoại giao, người Pháp gián tiếp phủ nhận quyền tông chủ của nhà Thanh đối với Đại Nam, hay tách chư hầu Đại Nam khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa.

Đầu thập niên 1870, Bắc kỳ chưa nằm trong toan tính nghiêm túc của người Pháp, một phần vùng đất phía bắc Đại Nam vẫn là nơi nhà Thanh hiện diện, đóng quân rải rác và tạo ảnh hưởng thông qua sự có mặt của Sầm Dục Anh, Từ Diên Húc, quân Cờ Đen, quân Cờ Vàng… Sự việc Francis Garnier dùng vũ lực tấn công thành Hà Nội ngày 20.11.1873 tạo ra một bước ngoặt dẫn đến sự hiện diện của quân Pháp ở Bắc kỳ - nơi nhà Thanh muốn khẳng định quyền tông chủ trong bối cảnh người Pháp bước đầu nhòm ngó và muốn áp đặt quyền bảo hộ.

Trận chiến Lạng Sơn giữa quân Trung Hoa và Pháp

THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP

Hòa ước Giáp Tuất chính thức công nhận 6 tỉnh Nam kỳ là thuộc địa của Pháp, trong thế thắng người Pháp còn muốn nhiều hơn thế. Hai hòa ước Quý Mùi (1883) và Giáp Thân (1884), người Pháp soạn sẵn và ép phía Đại Nam ký, chính thức biến Bắc kỳ thành vùng đất do người Pháp bảo hộ. Trong khi đó, nhà Thanh chưa bao giờ từ bỏ dã tâm đối với Bắc kỳ của Đại Nam. Từ đầu thập niên 1870 đến Hòa ước 1883, cùng với sự hiện diện của người Pháp ở Bắc kỳ thì quân Thanh đã đóng quân ở các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Hóa, Bắc Ninh, Sơn Tây thông qua yêu cầu ban đầu của triều đình Huế, cùng với đó là sự hoành hành của quân Cờ Đen, Cờ Trắng, Cờ Vàng, đặc biệt là quân Cờ Đen với 2 cuộc tập kích giết đại úy Francis Garnier (1873) và đại tá Henri Rivière (1883) người Pháp tại Cầu Giấy.

Đại Nam giữa hai thế lực bành trướng

Hòa ước Giáp Tuất gián tiếp ảnh hưởng đến quyền tông chủ của Trung Hoa, sau hòa ước người Pháp còn nhắm tới sự tự do thông thương từ Bắc kỳ sang Vân Nam (Trung Hoa). Từ cuối thập niên 1870, phía Pháp có những thay đổi chính sách (thị uy và bành trướng) và nhân sự, với sự xuất hiện của Thống đốc dân sự Charles Le Myre de Vilers ở Nam kỳ và đặc biệt là Jules Ferrry - nổi tiếng với chủ trương thôn tính Bắc kỳ - trên cương vị thủ tướng Pháp…

Bìa sách Việt Nam và cuộc chiến Trung - Pháp

NGUYỄN QUANG DIỆU

Phía Trung Hoa, đại diện tiêu biểu là Tăng Kỷ Trạch và Lý Hồng Chương, từ đầu thập niên 1880 thể hiện rõ quan điểm không thừa nhận Hòa ước Giáp Tuất và cũng không muốn đối đầu với phía Pháp, chỉ cần Pháp có giải pháp thỏa đáng cho vấn đề Bắc kỳ (không thôn tính Đại Nam) và không xâm phạm quyền tông chủ của Trung Hoa vốn luôn coi Đại Nam là phiên thuộc.

Cả Pháp và Trung Hoa đều muốn tránh xung đột, chia sẻ lợi ích, nhưng chính sách của Pháp thực thi đối với Đại Nam khiến Trung - Pháp đi đến đối đầu quân sự. Trung Hoa đã tiên liệu trước việc quân Pháp đưa quân ra đánh chiếm Bắc kỳ nên đã điều quân từ rất sớm, ngoài lợi ích Bắc kỳ hành động này còn mục đích ngăn người Pháp tiến lên Vân Nam.

Pháp muốn áp đặt quyền bảo hộ ở Bắc kỳ và coi quyền tông chủ của Trung Hoa chỉ là nghi thức ngoại giao, Trung Hoa vẫn muốn duy trì quyền tông chủ của mình, tranh đoạt theo ý tưởng chia Bắc kỳ thành 2 phần lấy sông Hồng làm ranh giới: phần phía bắc sông Hồng đến biên giới Việt - Trung thuộc về Trung Hoa, Trung Hoa có nghĩa vụ phải rút quân khỏi Bắc kỳ; phần phía nam sông Hồng thuộc về Pháp, sĩ quan Pháp đang cầm quân không được gây sự với “quân Trung Hoa triệt thoái về nước”.

Tưởng chừng cuộc bắt tay Trung - Pháp chia đôi Bắc kỳ sẽ thành công tốt đẹp, nhưng mọi thứ chuyển biến quá nhanh: quân Pháp không rút về Hà Nội, quân Trung Hoa không triệt thoái hẳn, Bourée bị triệu hồi đồng nghĩa hiệp thương thất bại, Jules Ferrry làm thủ tướng nhiệm kỳ 2 (1883 - 1885), tình hình Bắc kỳ rối ren và cái chết của Henri Rivière năm 1883, quân Trung Hoa bố trí phòng ngự ở Bắc kỳ và chuẩn bị cho chiến tranh, Tricou thay thế Bourée đàm phán với Lý Hồng Chương nhưng Lý Hồng Chương và Tăng Kỷ Trạch chơi trò giao bóng qua lại khiến nỗ lực của Tricou không thành, những nỗ lực đàm phán giữa Tăng Kỷ Trạch với ngoại trưởng Pháp ở Paris thất bại, chính phủ Paris không đánh giá cao sức mạnh quân sự của Trung Hoa, đồng thời điều quân đến Bắc kỳ cũng như chỉ thị Courbet phong tỏa vịnh Bắc kỳ, âm mưu của Tăng Kỷ Trạch lấy Hà Nội làm ranh giới giữa Trung - Pháp, những cuộc hòa đàm câu giờ và toan tính, Pháp - Trung đối đầu quân sự tháng 2.1884, Pháp - Trung đạt được thỏa thuận ở Quy ước Thiên Tân (11.5.1884), Pháp ép triều đình Huế ký Hòa ước Giáp Thân (6.6.1884), Pháp gửi tối hậu thư cho Bắc Kinh ngày 12.7.1884, Trung - Pháp hòa đàm, tháng 8.1884 Pháp chiếm Cơ Long và cuộc chiến nổ ra.

Cuộc chiến Trung - Pháp (8.1884 - 4.1885) kéo dài 8 tháng, kết thúc với việc Trung - Pháp ký hòa ước đình chiến, quân Thanh triệt thoái khỏi Bắc kỳ và 2 nước Trung - Pháp ký Hòa ước Thiên Tân (9.6.1885), đồng nghĩa với việc Trung Hoa chấp nhận các hòa ước Pháp - Việt đã ký, chấp nhận từ bỏ Bắc kỳ cũng như quyền tông chủ của mình.

Toàn bộ giai đoạn lịch sử phức tạp 1870 - 1885, bối cảnh chính trị và khu vực, những bên liên quan, các cuộc đàm thoại và tranh biện về ngoại giao và thương mại, những cuộc thương thuyết phân chia quyền lợi Bắc kỳ, nội bộ triều đình Huế, dã tâm bành trướng… được Long Chương bày ra với ngồn ngộn tư liệu, đặc biệt là các tài liệu tiên nguyên. Trong diễn biến đó, Đại Nam ở thế yếu không có tiếng nói và đứng ngoài cuộc, là quân cờ trong toan tính chính trị và thương mại của 2 liệt cường. Vận mệnh Đại Nam được quyết định ở Paris, Thượng Hải, Thiên Tân, Bắc Kinh, vận mệnh Bắc kỳ nằm trong tay quân Thanh và quân Cờ Đen chứ không phải trong tay quân nhà Nguyễn.

Cuộc chiến Trung - Pháp là định mệnh của Đại Nam, theo chiều hướng tích cực, ở đó sự can thiệp quyết liệt của phe chủ chiến Pháp đã triệt tiêu dã tâm thôn tính Bắc kỳ của Trung Hoa với các đại diện là Từ Hy, Tăng Kỷ Trạch, Lý Hồng Chương, Phùng Tử Tài, Tăng Quốc Thuyên… Việt Nam và cuộc chiến Trung - Pháp (Long Chương, Nguyễn Duy Chính dịch, NXB Tổng hợp TP. HCM và Tao Đàn thư quán, 2022) là tài liệu quý giá, giúp soi sáng một đoạn sử quan trọng của Đại Nam, một góc tối mà lâu nay ít được nhắc tới hoặc không đủ tài liệu để tìm hiểu cho đến ngọn ngành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.