Xu thế mới của EU
Mới đây, chuyên gia Shairee Malhotra, thuộc Quỹ nghiên cứu quan sát (ORF) ở Ấn Độ, có bài phân tích về việc EU tăng cường đa phương hóa thương mại.
Theo chuyên gia này, đại dịch Covid-19 rồi chiến sự Ukraine đã làm gián đoạn sự tăng trưởng của các nền kinh tế, đồng thời phơi bày những lỗ hổng do sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ở mức độ cao. Trong đó, việc Nga và Trung Quốc khai thác các quyền lực về năng lượng, thị trường buộc châu Âu phải đảm bảo các mối quan hệ đối tác toàn cầu mới để đa dạng hóa các đối tác thương mại, giảm bớt sự phụ thuộc, thiết lập chuỗi cung ứng an toàn cho các sản phẩm quan trọng và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế. Yếu tố địa chiến lược thúc đẩy EU đàm phán nhanh chóng các hiệp định thương mại tự do.
EU là thị trường đầy tiềm năng của các sản phẩm gỗ VN |
Gia Hân |
“Đẩy mạnh hợp tác thương mại với các quốc gia khác không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế rõ ràng mà còn phù hợp với một chiến lược địa chính trị rộng lớn hơn”, chuyên gia Shairee Malhotra chỉ ra.
Vị thế của VN
Thời gian qua, EU đã không ngừng đẩy nhanh việc tăng cường quan hệ thương mại với các nước, đặc biệt thúc đẩy hợp tác kinh tế Á - Âu. Trong đó, EU đã đạt được nhiều thỏa thuận về thương mại, đầu tư với một số nước trong khu vực. Điển hình, Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) là một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới giữa VN và 27 nước thành viên EU được hai bên thông qua vào năm 2020.
Chưa dừng lại ở đó, EU vẫn tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực trên. Năm 2021, EU đã công bố Chiến lược hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Trong chiến lược này, EU nhấn mạnh: “EU đã là nhà đầu tư hàng đầu, đối tác hợp tác phát triển hàng đầu và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất ở Indo-Pacific. Khu vực này và châu Âu cùng nắm giữ hơn 70% thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, cũng như hơn 60% dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”. Và để thúc đẩy chiến lược trên, EU đặc biệt đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Liên quan hợp tác kinh tế giữa EU với các nước trong khu vực, trả lời TTXVN ngày 7.12, Đại sứ Igor Driesmans, Trưởng Phái đoàn EU tại ASEAN, nhấn mạnh VN không chỉ là một đối tác song phương lớn, mà còn là đối tác quan trọng của EU trong hợp tác với ASEAN.
Thực tế đã chứng minh quan hệ thương mại VN - EU trong những năm qua đã phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi EVFTA phát huy hiệu quả. Tháng 11 vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Viện FNF VN đã tổ chức hội thảo “Đánh giá hai năm thực thi Hiệp định EVFTA tại VN từ góc nhìn doanh nghiệp”. Theo báo cáo được công bố tại hội thảo, tổng kim ngạch xuất khẩu từ VN sang EU trong 2 năm đầu thực thi hiệp định (từ tháng 8.2020 - 7.2022) đạt 83,4 tỉ USD, tức trung bình 41,7 tỉ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016 - 2019 trước đó. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% trong năm 2021 và tăng 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Không những vậy, VN còn được những thành viên quan trọng trong EU muốn tăng cường quan hệ. Giữa tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thăm VN trước khi đến Indonesia dự hội nghị G20. Khi đó, đánh giá về chuyến thăm, DW đăng bài của cây bút David Hutt dẫn một nghiên cứu cho biết hơn 90% các công ty Đức đã hoạt động tại VN muốn tiếp tục đầu tư vào VN. Bài viết cũng dẫn nhận định “hai bên rất quan tâm làm sâu sắc mối quan hệ với nhau” và “xu hướng tăng trưởng này trong quan hệ thương mại có thể sẽ tiếp tục”. Theo phân tích, quan hệ Việt - Đức còn là một tiến triển do xu thế toàn cầu hóa cũng như đáp ứng các thách thức địa chính trị trong khu vực.
Chính vì thế, giữa xu thế mới, không chỉ EU nói chung mà các thành viên cốt cán của khối này cũng đang thúc đẩy quan hệ với VN, đặc biệt về kinh tế.
Hội nghị mang tính lịch sử
Từ ngày 9 - 15.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan và Bỉ, dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU. Diễn ra vào ngày 14.12, Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU cũng là hội nghị cấp cao đầu tiên giữa EU và ASEAN. Tại hội nghị sắp tới, việc 27 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ cùng với hai Chủ tịch thể chế của EU gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN được đánh giá “mang tính lịch sử” và chưa từng xảy ra trước đây. Đại sứ Igor Driesmans cho biết một số khoản đầu tư lớn từ EU vào ASEAN dự kiến sẽ được các nhà lãnh đạo công bố.
TTXVN
Bình luận (0)