Việt Nam - Trung Quốc hợp tác thực chất, kiểm soát bất đồng, duy trì ổn định

Mai Hà
(từ Bắc Kinh, Trung Quốc)
27/06/2023 06:08 GMT+7

Sáng 26.6, tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường đã trang trọng tổ chức lễ đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao VN thăm chính thức Trung Quốc.

Nghiên cứu đường sắt kết nối hai nước

Ngay sau lễ đón, hai nhà lãnh đạo đã hội đàm chính thức. Trong hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường chúc mừng những thành tựu đã đạt được của hai nước trong thời gian qua.

Bày tỏ vui mừng trước đà phát triển thuận lợi của quan hệ hai nước sau chuyến thăm Trung Quốc mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11.2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc anh em. Đây là chủ trương nhất quán, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh Trung Quốc luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng, ủng hộ Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao vai trò quốc tế.

Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước. Đồng thời, duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác kênh Đảng, giữa hai Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc hai nước. Phát huy vai trò của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương trong việc điều phối tổng thể các lĩnh vực hợp tác; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực trọng yếu như ngoại giao, quốc phòng, an ninh…

Trao đổi với Thủ tướng Lý Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai bên cần phát huy ưu thế địa lý và sự bổ sung lẫn nhau để đẩy mạnh hợp tác thực chất trên các lĩnh vực; đề nghị Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản của Việt Nam. Tạo điều kiện sớm thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thành Đô (Tứ Xuyên) và Hải Khẩu (Hải Nam), phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu. Phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", đẩy nhanh tiến độ triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, giao thông vận tải, môi trường, y tế, khoa học công nghệ. Trong đó, trọng tâm là hợp tác chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu; trao đổi kinh nghiệm về quản lý kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tài chính, tiền tệ. Hợp tác về trồng trọt, chế biến nông sản, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vịnh Bắc bộ.

Tăng cường kết nối đường sắt, đường bộ, đường biển, nghiên cứu phát triển một số tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, tốc độ cao kết nối hai nước. Sớm ký kết Thỏa thuận tìm kiếm cứu nạn trên biển; khôi phục toàn diện các chuyến bay thương mại; tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông - Lan Thương. Ngoài ra, thực hiện tốt Hiệp định hợp tác giáo dục, triển khai các suất học bổng dành cho Việt Nam...

Việt Nam - Trung Quốc hợp tác thực chất, kiểm soát bất đồng, duy trì ổn định - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại lễ đón chính thức sáng 26.6

Nhật Bắc

Trung Quốc sẽ mở hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam

Thủ tướng Lý Cường khẳng định sẵn sàng cùng Việt Nam đi sâu hợp tác thực chất, không ngừng làm phong phú nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung. Đánh giá cao sự phát triển kinh tế nhanh chóng và môi trường kinh doanh năng động của Việt Nam tại khu vực, Thủ tướng Lý Cường nhận định hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước có mức độ bổ trợ cao và còn tiềm năng rất lớn.

Thủ tướng Lý Cường cũng cho biết Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông thủy sản, hoa quả chất lượng cao của Việt Nam, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa, sẵn sàng phối hợp thúc đẩy giải quyết vướng mắc về thể chế, chính sách, để quan hệ thương mại hai nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và đạt thành quả mới. Thủ tướng Trung Quốc cũng đề nghị hai bên tăng cường kết nối chiến lược, nhất là về hạ tầng cơ sở, giao thông; thúc đẩy hợp tác về kinh tế - thương mại, đầu tư, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, nông nghiệp, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.

Thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc

Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp nước này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, đưa hợp tác giữa hai nước ngày càng hiệu quả, thực chất, tương xứng với quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Về giao lưu nhân dân, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết, tin cậy và hữu nghị giữa hai nước; đồng thời khẳng định sẽ thúc đẩy hai bên triển khai hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch, gia tăng tần suất và nâng cao chất lượng hợp tác địa phương.

Việt Nam - Trung Quốc hợp tác thực chất, kiểm soát bất đồng, duy trì ổn định - Ảnh 2.

Nguồn: TTXVN - đồ họa : Bảo Nguyễn

Đáng chú ý, tại hội đàm, hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc".

Hai nước thống nhất tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; phát huy hiệu quả các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Hai Thủ tướng cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, nhất trí duy trì phối hợp, hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chủ trương nhất quán kiên trì chính sách "một Trung Quốc", ủng hộ Trung Quốc phát huy vai trò ngày càng quan trọng và tích cực trong khu vực và trên thế giới; đề nghị hai bên tăng cường phối hợp, hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ WTO, APEC, ASEM, ASEAN...

Kết thúc hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký và công bố 3 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước trên các lĩnh vực: quản lý xuất nhập cảnh, giám sát thị trường, xây dựng cửa khẩu thông minh, nghiên cứu quản lý môi trường biển trong vịnh Bắc bộ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.