Thuế áp cho doanh nghiệp đa quốc gia doanh thu lớn
Ngày 24.2, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hội thảo khoa học Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu.
Thông tin công khai tại hội thảo thể hiện, thuế tối thiểu toàn cầu (TTTTC) là loại thuế được nghiên cứu từ lâu, nhưng gần đây, khi tình hình kinh tế có nhiều biến động thì loại thuế này được triển khai đi vào thị trường kinh tế toàn cầu.
TTTTC là loại thuế đánh vào các doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia có doanh thu lớn, nhưng lại đầu tư vào những nước có mức thuế suất thấp nhằm trốn thuế, tiềm ẩn nguy hại về cạnh tranh không lành mạnh. Để ngăn chặn việc này mà không mất đi tính cạnh tranh toàn cầu, các nước đã thống nhất đưa TTTTC vào các doanh nghiệp đầu tư lớn bằng cách đặt ra giới hạn về đóng thuế tại nước sở tại hoặc chính quốc, tạo sự công bằng, tránh trốn thuế.
Các nước đã thống nhất TTTTC là mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro và có mức lợi nhuận trên 10% doanh thu; sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% trên mức lợi nhuận.
Điều này có nghĩa, khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính. Các doanh nghiệp có doanh thu dưới 750 triệu euro sẽ không phải đối tượng của sắc thuế này. Điều này cũng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia đầu tư tại nước ngoài phát triển ổn định hơn.
Ưu điểm của TTTTC là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia, tránh trốn thuế… Nếu áp dụng, Việt Nam có thể kiểm soát được các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài an toàn hơn, tránh thất thu thuế khi những doanh nghiệp này trốn thuế tại các nước không bị truy thu thuế.
Quốc gia đang phát triển bị giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư
Tuy nhiên, sắc thuế này mang đến nhiều lợi ích hơn cho các quốc gia phát triển. Còn ở vị thế là nước đang phát triển thì sẽ bị giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài; nhất là Việt Nam, khi nước ta đang có lợi thế ưu đãi về thuế là công cụ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Khi áp dụng TTTTC, các nhà đầu tư sẽ phải nộp bổ sung phần thuế chênh lệch về chính quốc, công cụ ưu đãi thuế không còn mang lại nhiều tác dụng.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho biết hiện nay Chính phủ nhiều nước đầu tư và tiếp nhận đầu tư đã và đang có những động thái quyết liệt trong việc cân nhắc, đưa ra các chính sách liên quan đến TTTTC.
Đơn cử, ngày 15.12.2022, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp dụng thuế suất tối thiểu 15% từ 1.1.2024. Bên cạnh đó, Hàn Quốc là nước đầu tiên tuyên bố áp dụng thuế tối thiểu từ năm 2022, nhưng cần thông qua luật và nghị định quy định chi tiết vấn đề này nên dự kiến trong năm 2023 ban hành. Còn Nhật Bản thì công bố áp dụng TTTTC trong tháng 2 mới đây, bắt đầu có hiệu lực từ 1.4.2024...
Trong số nhiều nước rục rịch chuẩn bị áp dụng TTTTC, có nhiều quốc gia đang đầu tư lớn tại Việt Nam. Do vậy, việc chính thức áp dụng chính sách TTTTC sẽ gây không ít tác động đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hơn nữa, thời gian áp dụng TTTTC đến nay đã khá gấp gáp khi nhiều nước dự kiến từ năm 2024.
Trong khi đó, các nước tiếp nhận đầu tư như: Indonesia, Malaysia… cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc áp dụng TTTTC từ năm 2024.
Hiện, Việt Nam đang thu hút hơn 140 quốc gia đầu tư, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng từ TTTTC. Trước thách thức mới, ngày 4.8.2022, Thủ tướng có quyết định thành lập Tổ công tác nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất TTTTC.
Tổ công tác của Thủ tướng đang triển khai nghiên cứu các giải pháp nhằm áp dụng TTTTC, đảm bảo các chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư phù hợp với các cam kết quốc tế, cũng như đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Sau khi Thủ tướng thành lập Tổ công tác, Bộ Tài chính cũng thành lập nhóm giúp việc, thành phần là các đơn vị chức năng gồm: Tổng cục thuế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tài chính doanh nghiệp… TTTTC là vấn đề mới, không chỉ là về thuế thu nhập doanh nghiệp mà cần các giải pháp khác, rộng hơn nữa.
Nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết việc áp dụng TTTTC sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các nước đang phát triển, nhất là những nước chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút vốn FDI. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào đặc điểm của hệ thống thuế, cụ thể là hệ thống thuế thu nhập doanh nghiệp của mỗi quốc gia.
Đối với kinh tế Việt Nam, TTTTC sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực. Cụ thể, ở mặt tích cực: tham gia triển khai TTTTC góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp hệ thông lệ, chuẩn mực quốc tế, góp phần tăng thu thuế, hạn chế được trốn tránh thuế, chuyển giá... của các tập đoàn đa quốc gia kinh doanh trong nước.
Ở góc độ tiêu cực, sức cạnh tranh trong thu hút vốn FDI có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế thay đổi; việc áp TTTTC có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia…
Ông Lực cho rằng, đây là thời điểm cấp bách vì vậy Bộ Tài chính, Tổ công tác của Thủ tướng cần nhanh chóng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động đầy đủ của việc áp dụng chính sách TTTTC này để chủ động đề xuất phương án, giải pháp phù hợp.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sớm ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, kế toán phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với các quy định quốc tế…; rà soát, thay đổi chính sách thu hút vốn FDI theo hướng tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như: môi trường đầu tư, kinh doanh; lao động có kỹ năng; cơ sở hạ tầng; hệ thống doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ… thay vì ưu đãi về thuế.
Nhiều chuyên gia tại hội thảo cho rằng Việt Nam là nước đang phát triển, tiếp nhận nguồn vốn đầu tư FDI đặt ra yêu cầu cần đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu các chính sách và giải pháp cho việc thực thi quy tắc TTTTC, để không bị đánh mất quyền thu thuế.
Đồng thời, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư; khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam và tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Bình luận (0)