Chiều 29.1, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đã có công văn khẩn đề nghị trước 31.1, giám đốc các sở y tế, thủ trưởng y tế các bộ, ngành; giám đốc các bệnh viện (BV) hoàn thành công bố danh sách các đơn vị có khả năng điều trị bệnh viêm phổi do vi rút Corona mới gây ra; khẩn trương thành lập đội phản ứng nhanh chống dịch do nCoV và thiết lập đường dây nóng cho chỉ đạo chống dịch; chuẩn bị phương tiện đối phó tình huống dịch bệnh hàng loạt; sẵn sàng đáp ứng đảm bảo tốt công tác thu dung cách ly và cấp cứu điều trị tại chỗ.
|
Sẵn sàng tình huống tiếp nhận hàng ngàn ca bệnh
Đại diện lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, tại BV Bệnh nhiệt đới cơ sở 2 (xã kim Chung, H.Đông Anh, Hà Nội) đã thiết lập khu vực thu dung, cách ly điều trị các ca nghi ngờ và khi có ca bệnh nhiễm nCoV. BV có quy mô 1.000 giường bệnh, nhưng trong tình huống cần thiết, khả năng tối đa có thể lên đến 3.000 giường bệnh với việc thiết lập khu điều trị cách ly dã chiến ngay tại BV này. Các bác sĩ của BV đã có kinh nghiệm điều trị trong các vụ dịch SARS, cúm gia cầm (cúm A/H5N1) có độc lực mạnh, viêm phổi do cúm A/H1N1 nên sẵn sàng tiếp nhận trong tình huống có ca bệnh.
Tại BV Bạch Mai (Hà Nội), TS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc BV, cho hay BV đã xây dựng kế hoạch, yêu cầu tất cả các đơn vị tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời các ca bệnh viêm phổi nặng có các yếu tố dịch tễ nghi ngờ. “Chúng tôi thiết lập việc kết nối chặt chẽ, nhanh chóng với cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để thực hiện lấy mẫu, chuyển các mẫu bệnh phẩm đến viện để thực hiện xét nghiệm chẩn đoán, đảm bảo an toàn và chính xác”, ông Hùng cho biết.
“Khoa Hồi sức tích cực của BV Bạch Mai, nơi tiếp nhận điều trị các bệnh nhân viêm phổi nặng, thở máy cũng đã chuẩn bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, phòng ốc và đặc biệt là nhân lực để ứng phó kịp thời khi dịch bệnh xảy ra, chú trọng kiểm soát nhiễm chéo, đảm bảo điều trị và an toàn cho mọi người bệnh”, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai, cho hay.
GS-TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc BV E (Hà Nội), cho biết BV duy trì việc yêu cầu báo cáo thường xuyên về những diễn biến bất thường (nếu có) khi có ca bệnh nghi ngờ được điều trị, cách ly. Tại đây đã bố trí phân luồng, khu điều trị riêng cho các bệnh nhân nghi nhiễm.
Khuyến cáo về lây bệnh từ động vật
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới (BV Bạch Mai), khuyến cáo về việc phòng ngừa các bệnh dịch lây từ vật sang người. Các tác nhân gây bệnh có nguồn gốc từ động vật thường rất nguy hiểm, có thể có độc lực mạnh như cúm gia cầm H5N1, bệnh dại, liên cầu lợn. “Cần tăng cường kiểm soát chặt nguồn bệnh từ động vật bằng việc ngăn chặn buôn bán lậu gia súc, gia cầm không được kiểm dịch, nạn buôn bán động vật hoang dã; cùng với tăng cường khai báo y tế với các hành khách tại cửa khẩu; cách ly, sàng lọc những người có biểu hiện ốm, sốt để phát hiện, cách ly và điều trị kịp thời tránh lây lan”, PGS-TS Đỗ Duy Cường nói.
Trên trang tin chính thức của Bộ Y tế cũng dẫn nguồn từ các chuyên gia nước ngoài lưu ý về ổ chứa vi rút gây bệnh trên một số động vật. Trong đó, dơi là ổ chứa gây bệnh rất cao với việc có thể mang hơn 100 loại vi rút. Một số vi rút gây bệnh trên người có ổ chứa ban đầu là dơi như: vi rút Sars, Ebola, Mers Corona… Cầy hương có thể dễ dàng là vật chủ trung gian để truyền vi rút Sars và một số loại vi rút khác mang một số mầm bệnh có thể làm tổn thương, hỏng phổi và hệ thần kinh T.Ư. Còn lợn rừng mang nhiều loại ve, có thể lan truyền sốt Q và sốt xuất huyết; mang ký sinh trùng bên trong (giun, xoắn khuẩn…) có thể làm hỏng hệ tiêu hóa, não…
Bình luận (0)