Bản tin mới được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố ngày 10.5 cho biết: Nhiệt độ tháng 4 năm nay cao kỷ lục là do hiện tượng El Nino (đang suy yếu) và biến đổi khí hậu toàn cầu gây nên. Những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kỷ lục, kéo dài tương đương như đợt El Nino mạnh năm 2015 - 2016.
Trong tháng 4, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình là 15,03°C, so với tháng 4 giai đoạn 1991 - 2020 cao hơn 0,67°C; đáng chú ý là cao hơn kỷ lục cũ 0,14°C được ghi nhận vào tháng 4.2016. So với giai đoạn tiền công nghiệp (1850 - 1900), tháng 4 năm nay ấm hơn 1,58°C, trong khi theo Thỏa thuận Paris, mức nhiệt tăng cần được giữ dưới 1,5 độ C.
Ngoài nhiệt độ không khí thì nhiệt độ mặt nước biển toàn cầu cũng cao kỷ lục trong liên tiếp 13 tháng qua.
Ông Alvaro Silva, chuyên gia khí hậu của WMO cho biết: Nhiệt độ bề mặt nước biển ở một số lưu vực đại dương, bao gồm cả vành đai nhiệt đới tiếp tục cao kỷ lục. Nó giải phóng nhiều nhiệt và độ ẩm hơn vào khí quyển khiến các điều kiện thời tiết trở nên cực đoan hơn.
Việt Nam và thế giới ghi nhận nắng nóng kỷ lục trong tháng 4
Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra như nắng nóng gay gắt kéo dài khắp châu Á. Tại Ấn Độ nắng nóng từ tháng 4 kéo dài đầu tháng 5, nhiệt độ cao nhất lên tới 47,2 độ C được ghi nhận tại phía tây Bengal vào ngày 30.4. Còn Bangladesh đã đóng cửa các trường học trước cái nóng nguy hiểm.
Tại Thái Lan đã ghi nhận nhiều kỷ lục nhiệt độ mới là 44,1 độ C tại huyện Mueang Phetchabun phía bắc nước này vào ngày 27.4. Ở Myanmar cũng có kỷ lục nhiệt độ mới là 48,2 độ C tại Chauk.
Tại Mexico cũng ghi nhận nhiệt độ cao bất thường là 45,8 độ C vào ngày 2.5.
Ngược lại lượng mưa cực lớn đã xảy ra ở bán đảo Ả Rập. Ngoài ra mưa lớn dai dẳng ở khu vực phía đông châu Phi và miền nam Brazil đã trở nên tồi tệ hơn trong tuần đầu tiên của tháng 5, dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, nắng nóng lịch sử cũng xảy ra đến 3 đợt trong tháng 4. Trong đó, có đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt vào những ngày cuối tháng 4, có đến 2 lần ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục là 44 độ C. Cụ thể, ngày 28.4 tại Đông Hà (Quảng Trị), mức nhiệt độ mới tăng đến 1,9 độ C so với kỷ lục cũ năm 1980. Đến ngày 30.4, tại Tương Dương (Nghệ An) cũng ghi nhận mức nhiệt 44 độ C, cao hơn kỷ lục cũ từ năm 2019 là 1,6 độ C.
Bình luận (0)