Trong tác phẩm Việt Nam vận hội (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành), tiểu luận Nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam: Một tổng quan thử nghiệm mở đầu cho Việt Nam vận hội cho thấy rõ phương pháp nghiên cứu và quan điểm sử học của tác giả Nguyễn Thế Anh và có lẽ là tiểu luận quan trọng nhất trong sách.
Tiên phong trong nghiên cứu triều Nguyễn
Là một sử gia người Việt, nhìn Việt sử từ bên ngoài, Nguyễn Thế Anh cho rằng “cuộc kháng chiến dân tộc và sự nổi dậy của nông dân chiếm ưu thế như những khía cạnh cơ bản của lịch sử Việt Nam để người nghiên cứu dựa vào đó mà xác định các hướng nghiên cứu” (tr.19). Đọc Nguyễn Thế Anh, ta thấy những quan điểm như sử gia phải đảm bảo được tính quan phương (phép tắc, kỷ luật) khi hạ bút… lịch sử được viết ra càng không nên tồn tại như một tòa án…
Ngày 7 tháng 4 năm Kỷ Hợi (1.5.1599), Trịnh Tùng ép vua Lê phong vương cho mình, Bắc hà chính thức được vận hành theo cơ chế lưỡng đầu. Chúa Trịnh được ban chức quyền, của cải, quyền bính, Đại Việt sử ký toàn thư chép sự kiện này: “Có nhiều sao băng xuống nội điện hành tại, một góc điện Kính thiên bị sập”, Khâm định Việt sử thông giám Cương mục (Chính biên, quyển XXX) thì chép: “Sao sa xuống nội điện. Điện Kính thiên bị sạt một góc” (NXB Giáo dục, 2007, tập 2, tr.222).
Bấy giờ, vua Lê chỉ được dùng 5.000 lính trong nội điện, 7 thớt voi, 20 thuyền rồng, còn lại tất nhiên là của chúa Trịnh. Cương mục viết mỉa rằng: “Sau khi Tùng đã nhận sách phong, vào triều lạy tạ vua Lê rồi về phủ chúa, văn võ bá quan đều lạy mừng, Tùng mở yến tiệc linh đình, ban thưởng bạc và lụa cho các quan có kẻ nhiều người ít khác nhau…” (sđd, tr.222). Bình An vương Trịnh Tùng lúc này chỉ được nhắc đến một chữ Tùng không họ không tước.
|
Quan điểm của người chép sử, hoặc sử gia biên niên, đương thời về đạo đức, tính bất chính và phi lễ của họ Trịnh đối với tính chính đáng của vua Lê, theo tư duy Khổng giáo, được Nguyễn Thế Anh đề cập đến trong bài viết Nhà nước và xã hội dân sự dưới thời chúa Trịnh tại Việt Nam thế kỷ XVII với ý “chưa ở đâu mà những đoạn ghi chép về các hiện tượng thiên văn, tai ương thiên nhiên lại nhiều” như thế kỷ 17 - giai đoạn mà họ Trịnh chuyên quyền, hướng trọng tâm vào quân sự, vai trò của võ quan chiếm ưu thế so với văn quan…
Nguyễn Thế Anh cho rằng “nghiên cứu lịch sử [ở Việt Nam] đã tự nhiên chịu tác động của những biến chuyển nhờ đường lối đổi mới có hiệu lực từ năm 1987…” (tr.30) vì vậy mà có một thời gian, đầu thập niên 1990, các vấn đề kinh tế chiếm vị trí đáng kể so với chủ đề chiến tranh và chính trị trong nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam.
Tác động của đổi mới trong nghiên cứu lịch sử theo Nguyễn Thế Anh là các sử gia Việt Nam khi không còn bị cô lập khỏi các trào lưu nghiên cứu trên thế giới “sẽ có tư cách tốt hơn để tự xét lại các biểu trưng tư tưởng, và cuối cùng tái thiết quốc gia trong sự vận hành liên tục của lịch sử” (tr.32).
Không chỉ tiên phong nghiên cứu về triều Nguyễn, Nguyễn Thế Anh còn nhìn thấy những khoảng đứt gãy khác cần bước đầu khai thác và thảo luận, tiểu luận Quan hệ Thái Lan-Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX qua chính sử Việt Nam viết năm 2011 là một ví dụ về lựa chọn đối tượng nghiên cứu cũng.
Một thời, Minh Trị Duy tân Nhật Bản là thỏi nam châm hút mọi điểm nhìn của giới nghiên cứu Việt Nam, mà điểm cuối Duy tân Minh Trị như đã biết là đi đến quân phiệt. Trong khi đó, Thái Lan (tức Xiêm) ở gần Việt Nam hơn so với Nhật Bản, có những nét tương đồng về văn hóa-tôn giáo và một lịch sử giao thương, bang giao cũng như ganh đua nhằm cai trị Cao Miên (tức Campuchia) và giành quyền ảnh hưởng trong khu vực từ rất sớm lại ít được chú trọng.
Vốn hiểu sâu, rộng nhiều vấn đề lịch sử Đông-Tây
Đứng trước nguy cơ tồn vong của dân tộc, với tư duy lý tính và sự kiên định của tầng lớp samurai, Nhật Bản lựa chọn con đường tiếp thu văn minh phương Tây, thoát Á thành công và sau cùng thành đế quốc quân phiệt. Trong khi đó, dưới lập trường của xã hội Khổng giáo xơ cứng, Trung Quốc và Việt Nam trở thành quốc gia nửa thuộc địa, nửa phong kiến; còn Thái Lan, với tư tưởng cởi mở và linh hoạt của xã hội Phật giáo, giữ được lợi ích đối nội và chủ quyền căn bản. Việt Nam học không chỉ có Nhật, Trung mà còn có Hàn, Ấn, Miến, Thái, Đài…
|
Qua Việt Nam vận hội, Nguyễn Thế Anh cho thấy mình đọc rộng và hiểu sâu nhiều vấn đề lịch sử Đông-Tây, từ lịch sử tư tưởng đến lịch sử giao thương, từ Phật giáo và Khổng giáo đến chủ nghĩa Marx, từ quan hệ Việt-Trung thời phong kiến/quân chủ đến quan hệ Việt-Pháp thời Pháp thuộc nói riêng và với phương Tây nói chung, từ lịch sử Đông Á đến Đông Nam Á, từ thiết chế phong kiến đến lịch sử đảng phái, từ kinh tế-chính trị và lịch sử-quân sự đến văn hóa-xã hội và văn hóa dân gian, từ vua quan đến sĩ phu/trí thức (Phan Thanh Giản, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng…), nông dân… địa hạt nào ông cũng thể hiện được sự nghiêm cẩn trong lối viết, phép sử luận và nguồn sử liệu kèm theo.
Tác giả Nguyễn Thế Anh từng được vinh danh là Giáo sư ưu tú (Directeur d’études émérite) của Viện Khảo cứu cao cấp Pháp (École Pratique des Hautes Études, EPHE), là một trong những sử gia người Việt nổi tiếng trên thế giới, được giới Việt Nam học nể trọng. Hợp tuyển Parcours d’un historien du Viêt Nam: Recueil des articles écrits par Nguyễn Thế Anh (Les Indes Savantes, Paris, 2008) gần 100 bài viết của ông, đa phần viết bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, được giáo sư Philippe Papin biên soạn là một trong nhiều ví dụ cho thấy tầm vóc của ông trong giới Việt học quốc tế. Hợp tuyển Việt Nam vận hội dù có thể chưa đầy đủ nội dung như tên gọi vẫn mang đến cho độc giả trong nước những nguồn sử liệu phong phú, nhận thức mới về lịch sử và phương pháp nghiên cứu khoa học của sử gia lão thành Nguyễn Thế Anh, người vẫn đang miệt mài trên con đường sử học đã chọn một cách kiên định.
Bình luận (0)