Việt Nam vào nhóm đầu về phủ vắc xin Covid-19

06/01/2022 04:27 GMT+7

Đó là câu chuyện được đề cập nhiều nhất tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào hôm qua (5.1), nhằm đánh giá kết quả của năm 2021 và bàn về các nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển KT-XH, ngân sách Nhà nước năm 2022.

Hội nghị có sự tham dự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Quốc hội, Nhà nước cùng tham dự. Trong đó, Tổng bí thư đã có bài phát biểu quan trọng.

Thực hiện thành công chiến lược vắc xin “đi sau về trước”

Đánh giá về kết quả của công tác điều hành trong năm 2021 “chồng chất khó khăn”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận việc Chính phủ, địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước và đại biểu đến dự hội nghị

TTXVN

Đầu tiên, theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là đã ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hạn chế tối đa thiệt hại, tích cực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn.

“Đến thời điểm này, có thể khẳng định là chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vắc xin “đi sau về trước” với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay”, Tổng bí thư nhận định và dẫn chứng rằng nếu đầu tháng 5.2021, nước ta mới có được vài trăm nghìn liều vắc xin, thì đến nay đã có khoảng 200 triệu liều, với tỷ lệ bao phủ 1 mũi là 99,6%; tỷ lệ bao phủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên là 90,9%, để trở thành là một trong 6 nước có độ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương vào ngày 5.1

TTXVN

Thứ hai, trong điều hành kinh tế, dẫn các con số tại báo cáo của Chính phủ, như cả năm GDP ước tăng 2,58%, thu ngân sách nhà nước tăng đến 16,4%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt mức kỷ lục 668,5 tỉ USD…, là “những điểm sáng tích cực”, thể hiện sự nỗ lực để duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng quý 3/2021 xuống âm 6% do đợt bùng phát dịch lần thứ tư.

Covid-19 sáng 6.1: Cả nước 1.817.721 ca | WHO nhận định về biến chủng Omicron

Đặc biệt, theo Tổng bí thư, trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục quan tâm phát triển. Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức rất thành công. Song song đó, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường; chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định tiếp tục được giữ vững. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực, hiệu quả, có trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. “Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả nổi bật, ấn tượng, có sự chuyển biến rất tích cực, nâng cao rõ rệt về chất”, Tổng bí thư đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng bí thư cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, bất cập mà việc tăng trưởng kinh tế cả năm vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra là “điều đáng tiếc”. Bên cạnh đó, thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường lao động còn tiềm ẩn rủi ro. Các hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ gặp nhiều khó khăn; không ít DN phải dừng hoạt động, giải thể, phá sản. Một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động bị đứt gãy. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm…

Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác

Tổng bí thư nhấn mạnh chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với “kẻ thù vô hình - Covid-19” hết sức nguy hiểm. Để chiến thắng thì cần giữ gìn, phát huy các thành quả đã đạt được, thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra trong năm 2022, Tổng bí thư cho rằng càng phải đổi mới, sáng tạo hơn nữa.

Tổng bí thư đã nêu lên các nhóm vấn đề lớn cần ưu tiên thực hiện. Đầu tiên, cần tiếp tục theo dõi sát sao, nắm chắc các diễn biến của tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, đặc biệt là nguy cơ từ các biến chủng mới để kịp thời có chính sách, biện pháp ứng phó phù hợp. “Tập trung ưu tiên thực hiện chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 đã được ban hành để sớm thực sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin, bảo đảm đủ vắc xin, thuốc, sinh phẩm phòng, chống dịch; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác”, Tổng bí thư lưu ý.

Thứ hai, tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, gắn với thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn.

Thứ ba, Tổng bí thư cho rằng một nhiệm vụ quan trọng không kém là quan tâm hơn nữa đến phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển KT-XH; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, DN gặp khó khăn.

Thứ tư, phải tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp từ T.Ư đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ…

6 trọng tâm trong “năm phục hồi và phát triển”

Trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho hay chủ đề điều hành của năm 2022 là: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.

Chủ đề này được cụ thể hóa trong 6 quan điểm, trọng tâm. Một là, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, biến thách thức thành cơ hội; thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững…

Hai là, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; kiên định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân, DN. Ba là, bám sát tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi, phát triển KT-XH trên cả nước trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, tận dụng các động lực tăng trưởng mới, bền vững.

Để làm được điều này, Chính phủ tập trung thực hiện 3 trọng tâm: Khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Bốn là, tiếp tục ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Năm là, bảo đảm an sinh xã hội, an dân, thực hiện tốt chính sách xã hội đối với người có công, khôi phục và ổn định thị trường lao động; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Sáu là, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế, uy tín của VN trên trường quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.