Việt Nam xây dựng đề án World Cup 2026 như thế nào?

03/08/2022 08:49 GMT+7

“Việt Nam phải làm gì để có vé đến World Cup 2026 ” là bài toán cần lời giải từ sự vào cuộc quyết liệt không chỉ của ngành thể thao hay các nhà quản trị nền bóng đá nước nhà, mà còn của toàn xã hội.

Những lứa cầu thủ có thể dự world cup 2026

Việc Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) trao cho bóng đá châu Á 8,5 suất dự World Cup 2026 đưa tới cho bóng đá Việt Nam những cơ hội cùng thách thức lớn. Nói như Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hoài Anh, chỉ khi nào tuyển Việt Nam lọt vào top 10 châu Á như chỉ tiêu được Chính phủ đặt ra trong Chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thì mới có cơ hội giành suất đến sân chơi bóng đá lớn nhất hành tinh 4 năm nữa.

4 năm, quãng thời gian không phải là dài cho một lộ trình chuẩn bị, và ngay từ bây giờ Việt Nam cần phải thực hiện ngay đề án World Cup 2026 thì mới kịp. Được biết, Bộ VH-TT-DL đã giao VFF bắt tay vào xây dựng đề án này để sớm báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Những cầu thủ có thể dự vòng loại World Cup 2026

ĐỘC LẬP

Trước hết, cần phải xác định rõ lứa cầu thủ nào sẽ được đưa vào dự án nói trên. Một quan chức VFF cho biết VFF dự kiến sẽ thiết lập danh sách nguồn với khoảng 60 - 70 cầu thủ (sinh từ năm 1996 - 2003), gồm thế hệ từng dự World Cup U.20 năm 2017, giành ngôi á quân giải U.23 châu Á 2018; thế hệ từng vào tốp 4 ASIAD 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019; vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và thi đấu 10 trận ở vòng loại này; thế hệ giành HCV SEA Games 30, 31; thế hệ dự giải U.23 châu Á 2022.

Cuộc thương thảo rơi vào thế bế tắc, lời giải nào cho bài toán bản quyền World Cup 2022 tại Việt Nam?

Đến cuối năm 2023 và năm 2024 - thời điểm mà tuyển Việt Nam có cơ hội dự vòng sơ loại thứ 2 World Cup (nếu như đứng trong top 25 châu Á, Việt Nam không phải dự vòng sơ loại thứ nhất vào tháng 10.2023), các cầu thủ này có độ tuổi từ 21 - 28, đều thích hợp cho sự chuẩn bị đến World Cup.

Quan điểm của HLV Park Hang-seo

Chia sẻ về tham vọng World Cup của bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo nói: “Chúng ta cần một tầm nhìn và kế hoạch cụ thể để triển khai có hệ thống. Ngay lúc này, chúng ta phải chuẩn bị để có lứa cầu thủ đạt đến trình độ World Cup. Đối với tôi, Việt Nam cần những kế hoạch mang tính kế thừa, tuần hoàn và xây dựng hệ thống hoàn thiện hơn về hành chính, cấu trúc. Có thế World Cup mới không còn là giấc mơ nữa.

Tôi không rõ đến World Cup 2026 tôi còn ở Việt Nam không, nhưng dù là ai làm thì một cá nhân không thể giúp Việt Nam đi World Cup được. Muốn làm được điều đó, Việt Nam phải có kế hoạch dài hạn và xây dựng đội ngũ nhân sự hoàn chỉnh. Chính phủ Việt Nam chắc chắn đang có kế hoạch để chuẩn bị. Bóng đá Việt Nam cần nhiều chuyên gia về kỹ thuật, dinh dưỡng, thể lực, phân tích trận đấu, tâm lý”.

Cần sự “chia lửa” của toàn xã hội

Chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ: “Những phát biểu của ông Park hoàn toàn chuẩn xác. Và việc VFF xây dựng đề án World Cup cũng là một bước đi chính xác. Với vai trò là cơ quan quản lý bóng đá Việt Nam, VFF sẽ có nhiệm vụ đưa ra các chiến lược cụ thể, từng kế hoạch cụ thể cho nhóm cầu thủ được đưa vào đề án. Xem xét và phân tích kỹ các giải đấu được xếp thứ tự ưu tiên để triệu tập các cầu thủ phù hợp cho từng giải đấu đó. Tận dụng tối đa thời gian FIFA Days và các mối quan hệ quốc tế để đội tuyển Việt Nam có những trận giao hữu thật sự có chất lượng với những khách mời (hoặc chúng ta là khách mời) giỏi của thế giới và châu lục”.

“Nên gia hạn hợp đồng với thầy Park”

Một vấn đề đặc biệt quan trọng nữa là ai sẽ dẫn dắt tuyển Việt Nam thi đấu tại các vòng sơ loại này, khi hợp đồng giữa VFF và HLV Park Hang-seo sẽ kết thúc vào ngày 31.1.2023? Tháng 10.2022 hai bên mới tái đàm phán và lắng nghe nguyện vọng của nhau. Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương: “VFF nên gia hạn với ông Park vì khó có ai phù hợp hơn ông vào thời điểm này. Nếu mời HLV khác, người mới sẽ phải cần có khoảng thời gian nhất định để thích ứng mà như thế có thể sẽ “lẹm” vào quỹ chuẩn bị World Cup của chúng ta”.

Cũng theo HLV Đoàn Minh Xương: “Dự án World Cup cần có quỹ tài chính dồi dào, phục vụ cho toàn bộ lộ trình chuẩn bị, bao gồm cả những việc thuộc về kỹ thuật như mua sắm trang thiết bị tập luyện, tăng dinh dưỡng cho cầu thủ, trả lương cho các chuyên gia, cho đến những hoạt động mang tính vĩ mô hơn. Do đó, VFF phải làm cầu nối với các doanh nghiệp, các tổ chức nhằm thu hút nguồn lực của toàn xã hội”.

Một lãnh đạo ngành thể thao cho hay: “Chúng tôi sẽ sớm kết hợp với VFF để tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham dự của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, các CLB để bàn về chủ đề World Cup 2026. Hệ thống thi đấu bóng đá Việt Nam phải thích ứng được với hệ thống thi đấu của bóng đá châu Á. Do đó, rất cần đến sự bàn bạc, đề xuất ý kiến từ các ông chủ đội bóng, lãnh đạo các địa phương có đội bóng, để quyền lợi của cả đội tuyển và các CLB được đảm bảo. World Cup 2026 đã tăng số đội tham dự nhưng chặng đường đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh của chúng ta vẫn còn rất gian nan”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.