Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn 3575/VPCP/KGVX (Công văn 3575) ngày 18.5 gửi Bộ trưởng Bộ Y tế truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Việt Nam xem xét công bố hết dịch Covid-19
Công văn 3575/VPCP/KGVX nêu: xét Báo cáo số 626/BC-BYT ngày 13.5.2023 của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ theo quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 về việc chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và công bố hết dịch đối với dịch Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng đồng ý việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 theo đề xuất của Bộ Y tế tại báo cáo nêu trên; giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Bộ Y tế chuẩn bị nội dung, chương trình, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức họp Ban Chỉ đạo quốc gia vào ngày 27.5 để công bố kết thúc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
"Bộ Y tế căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và tình hình thực tế dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 giai đoạn 2023 - 2025, ban hành theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định" Công văn 3575 nêu.
Trước đó, ngày 5.5, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu; đại dịch Covid-19 đã trên đà suy giảm trong hơn 1 năm qua và cho phép hầu hết các nước quay lại cuộc sống bình thường như trước đó. WHO cũng cảnh báo Covid-19 vẫn còn là mối đe dọa y tế toàn cầu.
Với công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam, trao đổi với báo chí mới đây, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đánh giá rất cao khả năng ứng phó với đại dịch của Việt Nam. Điều quan trọng bây giờ là đảm bảo rằng chúng ta đã tiếp thu tất cả các bài học chống dịch trong hơn 3 năm qua, tiếp tục áp dụng những bài học đó khi chúng ta lên kế hoạch về việc quản lý Covid-19 lâu dài trong tương lai. Việt Nam đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng rất cao, cũng như những nỗ lực đáng kinh ngạc của các nhân viên y tế.
Trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang "quản lý bền vững" virus cách đây 18 tháng. Chúng ta nên nghĩ về cách quản lý virus dài hạn, thay vì ứng phó khẩn cấp"...
Bình luận (0)