Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt đưa máy bay ném bom đến Hoàng Sa

21/05/2018 20:30 GMT+7

Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này.

Ngày 21.5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế".
Phát biểu được đăng trên trang web Bộ Ngoại giao nêu rõ: "Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), tạo bầu không khí thuận lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực”.
Trước đó, vào ngày 18.5, tài khoản Twitter của tờ Nhân Dân nhật báo ngang nhiên đăng tải đoạn phim quay cảnh oanh tạc cơ H-6K của Trung Quốc diễn tập cất và hạ cánh xuống một đường băng phi pháp trên Biển Đông. Chuyên gia về an ninh Trung Quốc Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Mỹ) cho rằng vị trí H-6K hạ cánh có thể là đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.