Hà Nội tăng 300% phí thuê lòng đường, vỉa hè

06/12/2017 06:38 GMT+7

Chiều 5.12, HĐND TP.Hà Nội thông qua đề xuất tăng mức phí thuê lòng đường, vỉa hè lên gấp 3 lần hiện tại.

Theo đó, phí thuê lòng đường, hè phố sẽ tăng 300% tại một số tuyến phố cần hạn chế, hầu hết thuộc Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. Mức tăng cụ thể từ 80.000 đồng lên 240.000 đồng/m2/tháng sử dụng lòng đường trông giữ ô tô; từ 45.000 đồng lên 135.000 đồng/m2/tháng trông giữ xe máy.
Các khu vực từ trung tâm TP đến vành đai 3 cũng sẽ tăng từ 60.000 đồng lên 150.000 đồng/m2/tháng. Các tuyến phố từ vành đai 1 đến lõi đô thị sẽ tăng 250%. Các phố từ vành đai 2 đến vành đai 1 và từ vành đai 3 đến vành đai 2 tăng 130%. Tuyến phố từ vành đai 3 đến ngoại thành sẽ giữ nguyên mức phí hiện nay. Đồng thời, những điểm ứng dụng công nghệ trông giữ xe thông minh, được đề xuất thu phí theo tỷ lệ 30% doanh thu.
UBND TP.Hà Nội cũng đã phê duyệt tăng mức giá trông giữ phương tiện, áp dụng chính thức từ 1.1.2018. Cụ thể, xe máy tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/xe/lượt. Ô tô tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/xe/lượt. Phí trông xe theo tháng sẽ tăng từ 1,7 triệu đồng lên 2,6 triệu đồng/ô tô/tháng.
Bà Hồ Thị Vân Nga, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.Hà Nội, cho rằng: “UBND TP.Hà Nội cần tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm sử dụng lòng đường, hè phố không phép, sai phép trông giữ phương tiện. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến trật tự đô thị, ùn tắc giao thông”.
TP.HCM cần giải pháp quản lý nhà thuộc sở hữu Nhà nước
Hôm qua (5.12), ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp HĐND TP.HCM khóa IX, các đại biểu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2017 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2018.
Đại biểu Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, nêu vấn đề khai thác sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và cho rằng vấn đề này rất được người dân quan tâm do hiện số lượng dự án được thống kê xử lý lên tới hơn 12.800 địa chỉ với hơn 244 triệu m2. Hiện TP đã bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở 625 địa chỉ và thu hồi được hơn 10.700 tỉ đồng cho ngân sách. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát nhận thấy số lượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước ở TP rất lớn, nhưng việc quản lý bị buông lỏng, hồ sơ không đầy đủ…
Theo ông Bình, một số đề xuất phương án xử lý chưa phù hợp, chưa gắn với quy định hiện hành. Mức giá cho thuê nhà đất thuộc sở hữu nhà nước mỗi nơi còn khác nhau. Nếu TP không có các giải pháp đồng bộ sẽ dẫn tới lãng phí rất lớn.
Hôm nay 6.12, HĐND TP sẽ dành 1 ngày để chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT, Cục trưởng Cục Thuế, các sở: Tài chính, KH-ĐT, Hải quan TP, UBND quận, huyện cùng trả lời chất vấn…
Đà Nẵng giám sát quy hoạch, xây dựng tại bán đảo Sơn Trà
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9 (nhiệm kỳ 2016 - 2021) sáng 5.12, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng việc quy hoạch phát triển trên khu vực bán đảo Sơn Trà, TP.Đà Nẵng cần hết sức lưu ý hài hòa giữa phát triển kinh tế với đảm bảo môi trường tự nhiên, quốc phòng, an ninh. “Đề nghị HĐND TP giám sát chặt chẽ việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch của UBND TP; cần có các quy định, quy chế hết sức chặt chẽ trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng tại bán đảo Sơn Trà...”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cần Thơ chưa trình chính sách hỗ trợ hãng hàng không
Tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Cần Thơ khóa 9 (nhiệm kỳ 2016 - 2021) ngày 5.12, Thường trực HĐND, UBND trình HĐND TP xem xét, quyết nghị 12 tờ trình. Trong số này không có tờ trình về Quy định chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở các đường bay mới đi và đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đã được UBND TP.Cần Thơ đưa ra trước đó. Theo ông Nguyễn Thành Đông, Phó chủ tịch HĐND TP, do chưa có ý kiến từ Bộ Tài chính nên chưa thông qua tờ trình trên trong kỳ họp này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.