Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông
Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc này thực hiện theo quyết định khởi tố bị can số 522/C46 ngày 8.12.2017 và lệnh bắt tạm giam số 134/C46 ngày 8.12.2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Cùng ngày, theo đề nghị của Đảng ủy Công an Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị cũng đã quyết định: Đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Liên minh "ma quỷ" tại Oceanbank
Ông Đinh La Thăng sinh ngày 10.9.1960 tại Nam Định, có học hàm tiến sĩ. Khởi đầu làm một kế toán viên, kinh qua nhiều vị trí quan trọng tại Tổng công ty Xây dựng thuỷ điện Sông Đà. Sau đó, ông chuyển qua Tổng công ty Sông Đà, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, Bí thư Đảng ủy và là đại biểu Quốc hội khóa XI. Từ năm 2003 đến 2005 làm Phó bí thư Tỉnh ủy Thừa thiên - Huế.
Từ tháng 1.2006 đến tháng 12.2008, ông Thăng được điều động ra Hà Nội làm Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng và là đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII ngày 3.8.2011, Quốc hội phê chuẩn ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với tỷ lệ phiếu ủng hộ đạt 71,2%. Tháng 1.2016, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Thăng được bầu vào Bộ Chính trị.
Con đường công danh của ông Thăng chính thức đi xuống từ khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 - 2011. Trong đó, có việc ra nghị quyết chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật, vi phạm quy chế làm việc của hội đồng quản trị, ký kết tham gia góp vốn 20% vào OceanBank, gián tiếp gây thất thoát số tiền 800 tỉ đồng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Liên quan đến những sai phạm tại Oceanbank, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho hay, ông Thăng vi phạm quy chế làm việc khi ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại văn bản số 6934 ngày 18.9.2008, giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN và Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank. Nội dung văn bản thể hiện Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank, trước khi Hội đồng quản trị Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.
Ông Đinh La Thăng còn chịu trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết số 4266 góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Trước đó, sau gần 1 tháng xét xử, đại án kinh tế OceanBank chứng kiến những giọt nước mắt rơi trước vành móng ngựa của 34 giám đốc chi nhánh các ngân hàng (NH) thuộc OceanBank. Tại toà Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng, Phó tổng PVN; Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN)... hay các đơn vị thành viên của PVN, cánh chim đầu đàn trong ngành khai thác, chế biến dầu như Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP)... đã phải nhận quyết định khởi tố về hành vi nhận tiền chăm sóc ngoài của OceanBank (VSP nhận 24 tỉ đồng, BSR hơn 19 tỉ đồng và PVEP hơn 76 tỉ đồng).
Văn bản thoả thuận góp vốn do ông Thăng ký đã trở thành sợi dây siết chặt PVN với OceanBank và nó cũng vô tình trở thành một vũng lầy của ngành dầu khí, ngân hàng và nền kinh tế. Theo lời khai của Hà Văn Thắm và Ninh Văn Quỳnh, trong suốt giai đoạn từ 2009 - 2011, tổng số tiền gửi đã di chuyển từ PVN vào tài khoản OceanBank lên tới 500.000 tỉ đồng. Với cơ cấu tiền gửi chiếm tới 50% tổng vốn huy động của OceanBank, cùng 20% vốn góp tương đương 800 tỉ đồng, PVN lúc này không đơn thuần chỉ là khách hàng ruột của OceanBank.
Sai phạm tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2
Ông Đinh La Thăng cũng bị điều tra vì liên quan đến vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Trước đó, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), hồi cuối tháng 9.2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra thông báo về việc thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Kế toán và Kiểm toán Tập đoàn dầu khí VN. Ngoài Mậu còn có Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN; Trần Văn Nguyên, Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC.
Cả 4 bị can nêu trên có liên quan sai phạm các nguyên tắc về tài chính trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD), công suất thiết kế 1.200 MW, do PVN làm chủ đầu tư. Mặc dù mới có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án, chưa ký hợp đồng EPC nhưng PVN đã làm thủ tục chuyển 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỉ đồng cho Ban Quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, qua đó cho PVC tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước tính đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (ngày 11.10.2011) là hơn 51,7 tỉ đồng và hơn 66.000 USD tiền lãi.
Bộ trưởng “hành động” với nhiều phát ngôn gây sốc
Thời kỳ làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, ông Thăng nổi tiếng trên cương vị của một tư lệnh ngành thẳng thắn, cương quyết. Đặc biệt, những phát ngôn của ông luôn được báo chí, dư luận quan tâm.
Tại hội nghị tổng kết năm 2015, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 của Tổng cục Đường bộ, ông Thăng yêu cầu: "Chưa thay được biển báo bất hợp lý thì cứ nhổ vứt đi, gọi mấy bà bán đồng nát đến bảo nhổ đi "
Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng, sơ kết giai đoạn 1 chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020 diễn ra ngày 17.2.2012, ông nói: “Lực lượng thanh tra cứ mạnh dạn làm, không có gì nhạy cảm, không sợ gì cả. Chúng ta làm vì dân vì nước không có gì phải lo sợ”.
Ngày 8.1.2014, ông Thăng đã "vi hành" để đốc thúc một loạt công trình trọng điểm và liên tục gây chú ý vì những vụ "trảm tướng" khi dự án chậm tiến độ. Trên công trường đường Nội Bài - Nhật Tân, ông từng nhắc nhở Giám đốc Ban quản lý dự án: "Ghế của ông lung lay rồi đấy. Chỉ có hiệu quả công việc cao thì mới giữ được ông ở vị trí tổng giám đốc".
Ông Đinh La Thăng thời còn làm Bộ trưởng Giao thông vận tải Ngọc Thắng
Xin lỗi Đảng, xin lỗi người dân, tạm biệt TP.HCM
Trong 15 tháng làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, do thời gian ngắn nên ông Thăng chưa thể hiện được nhiều về hành động, ông thường đăng đàn với những phát ngôn ấn tượng.
Tại huyện Hóc Môn chiều 19.5.2016, sau khi lưu ý phải nâng tầm suy nghĩ chuyện điều chỉnh, xóa quy hoạch treo thì mới đủ day dứt, quyết tâm để làm, ông Thăng phát biểu: “Hãy đặt mình vào vị trí dân, sửa nhà không được, nóng nực chật chội, chỗ vệ sinh không có. Phải chấm dứt nỗi đau khổ này của dân”.
Tại hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM sáng 12.1.2017, ông Thăng nói muốn có giải pháp giảm ùn tắc giao thông thì việc đầu tiên là: “Các đồng chí hãy đi ra ngoài đường bằng xe máy thì mới cảm nhận được nỗi khổ của người dân vì kẹt xe. Còn lãnh đạo mà ngồi trong ô tô máy lạnh thì không bao giờ cảm nhận cảm xúc thực từ một ngã tư đường phố”.
Ngày 10.5.2017, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 nhận quyết định thôi giữ chức Bí thư Thành ủy, được điều chuyển về làm Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương. Ông Đinh La Thăng cho biết, chỉ 15 tháng công tác tại thành phố này nhưng ông đã cảm nhận được tình cảm của mọi người và xem đây là tài sản vô giá. Ông mong thành phố coi ông là người con của thành phố. "Hôm nay, tôi xin gửi lời xin lỗi đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM. Tôi rất mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ và mong luôn được coi như là một người con của thành phố này", ông Thăng nói.
Một số phát ngôn ấn tượng nhất của ông Đinh La Thăng
“Nếu biển ở lại thì người phải đi”, phát biểu về các biển báo giao thông bẫy dân tại Hội nghị tổng kết công tác Thanh tra ngành GTVT giai đoạn 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 ngày 19.1.2016.
"Ghế của ông lung lay rồi đấy. Chỉ có hiệu quả công việc cao thì mới giữ được ông ở vị trí tổng giám đốc", cảnh báo Giám đốc Ban quản lý dự án Nội Bài -Nhật Tân.
“Các đồng chí hãy đi ra ngoài đường bằng xe máy thì mới cảm nhận được nỗi khổ của người dân vì kẹt xe. Còn lãnh đạo mà ngồi trong ô tô máy lạnh thì không bao giờ cảm nhận cảm xúc thực từ một ngã tư đường phố”, phát biểu tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM .
"Hôm nay, tôi xin gửi lời xin lỗi đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM. Tôi rất mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ và mong luôn được coi như là một người con của thành phố này", ông Thăng phát biểu chia tay TP.HCM.
|
Bình luận (0)