Năm mới lạnh hơn Noel

24/12/2017 10:21 GMT+7

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, chiều tối và đêm 23.12, bộ phận không khí lạnh tăng cường này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc bộ; sau đó ảnh hưởng đến bắc và trung Trung bộ.

* Nguy cơ gia tăng dịch bệnh do thời tiết
[VIDEO] Những điểm chụp ảnh Noel không thể bỏ qua ở Hà Nội
Do nằm sâu trong khối không khí lạnh và khô, từ ngày 24.12 ở Bắc bộ giảm mây, ngày nắng, đêm không mưa. Nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng trong đợt rét này ở vùng đồng bằng Bắc bộ giảm xuống còn 11 - 14 độ, ở các tỉnh vùng núi nhiệt độ giảm còn 7 - 10 độ, vùng núi cao dưới 5 độ. Ở các tỉnh bắc và trung Trung bộ trong các ngày 24 -25.12 có mưa, mưa rào rải rác, trời rét. Hiện tại đợt không khí lạnh tăng cường có cường độ yếu nên ít tác động đến khu vực Nam bộ. Nó chủ yếu tác động tới các tỉnh bắc và trung Trung bộ trong các ngày 24 - 25.12 có mưa, mưa rào rải rác, trời rét, sau đó suy yếu và lệch ra phía đông.
Đáng chú ý trong các ngày 30 - 31.12, một đợt không khí lạnh mới có cường độ mạnh sẽ di chuyển xuống nước ta và ảnh hưởng đến thời tiết cả nước. Đợt không khí lạnh này sẽ tác động đến các tỉnh Nam bộ với cường độ lạnh tương đương đợt vừa rồi. Nó sẽ kéo dài đến hết ngày 4.1.2018.
* Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết thời tiết hiện rất thuận lợi cho vi rút cúm phát triển mạnh và lây lan. Khởi đầu các bé có biểu hiện sốt, chảy nước mũi. Thông thường cúm có thể tự khỏi sau 3 - 5 ngày. Trẻ được chăm sóc tại gia đình và dùng thuốc hạ sốt, tăng cường dinh dưỡng tăng sức chống đỡ với vi rút. Những ngày qua, một số trẻ bị cúm, nhập viện do diễn biến nặng: bội nhiễm viêm phế quản. Theo bác sĩ Hải, vi rút cúm gây bệnh gần đây hầu hết là vi rút cúm mùa. Cần lưu ý với các trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mãn tính như tim hoặc hen phế quản, vì các trường hợp mãn tính nếu bị nhiễm cúm có thể bị bội nhiễm nặng hơn.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, lưu ý người lớn không chủ quan với bệnh cúm trong mùa lạnh này. Với phụ nữ mang thai, người có bệnh mãn tính, béo phì, đái tháo đường, hen... có nguy cơ bội nhiễm cao hơn các trường hợp bình thường.
Theo Cục Y tế dự phòng, trẻ em từ 6 - 23 tháng tuổi và già, trẻ từ 6 tháng trở lên bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính, hen suyễn... dễ mắc cúm.
Ông Phu lưu ý khí hậu mùa đông - xuân rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Sởi, rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp. Biểu hiện của bệnh: sốt, phát ban và viêm đường hô hấp; có thể dễ dẫn đến tử vong. Theo ông Phu, để phòng các bệnh trong thời tiết mùa đông - xuân, cần cho trẻ tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.