Mới quản lý được hồ sơ trên 3.300 người nghiện
Theo đại tá Mạnh, hiện nay số người nghiện trên toàn tỉnh có hồ sơ quản lý là 3.334, đứng thứ 7 toàn quốc. Bên cạnh đó, số người nghiện chưa có hồ sơ quản lý còn nhiều hơn và đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, độ tuổi người nghiện ma túy có xu hướng trẻ hóa, cụ thể từ 16-30 chiếm 70%. Nguyên nhân do Đồng Nai là địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế, lại giáp ranh với các đô thị lớn TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu; người nhập cư đông, dân số cơ học tăng nhanh. Vì vậy, tội phạm về ma túy chọn Đồng Nai làm nơi ẩn náu và hoạt động.
Đại tá Mạnh phát biểu: “Hậu quả của việc sử dụng ma túy đá gây tổn hại lớn về tinh thần lẫn thể chất, gây ảo giác có thể dẫn đến hành vi mất nhân tính. Qua thống kê, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trộm cắp, cướp giật, giết người, thậm chí là giết người thân trong gia đình do ma túy đá gây ra”.
|
Nhận thức sai lầm
Cũng theo giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, trong khi đó nhiều thanh niên lại có nhận thức sai lầm, cho rằng ma túy đá không gây nghiện nên lao vào sử dụng. “Nhưng trên thực tế ma túy đá gây nghiện và tác hại thì rất lớn còn hơn cả hêrôin, phá hoại não bộ nhanh chóng, trong khi đó chưa có thuốc và phác đồ điều trị hiệu quả loại ma túy này”, đại tá Mạnh nói.
Bình quân hàng năm, lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố hơn 400 vụ với hơn 1.000 đối tượng. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, đã bắt 192 vụ, xử lý 543 đối tượng. Tuy nhiên, đại tá Mạnh nói rằng việc đấu tranh, triệt phá tội phạm về ma túy còn gặp rất nhiều khó khăn như quy định của pháp luật còn nhiều bất cập; điều kiện cơ sở thiếu thốn, thiếu nhân viên y tế, thuốc để cắt cơn, giải độc, cho nên nhiều trường hợp bắt rồi nhưng không xử lý được, phát hiện nhiều đối tượng nghiện nhưng không thể đưa đi cai. Năm 2016, Công an tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai đưa 1.578 người nghiện đi điều trị bắt buộc nhưng do cơ sở cai nghiện chưa đáp ứng được nhu cầu, các điều kiện cần thiết nên biện pháp này chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Quang, Viện Pháp y tâm thần T.Ư Biên Hòa, ma túy đá là một trong những loại thuốc kích thần kinh được dùng để điều trị tăng động, giảm chú ý, tăng thức tỉnh. Đây là một chất kích thích gây nghiện cho người sử dụng. “Thời gian gần đây, kết quả khảo sát cho thấy giới trẻ sử dụng hêrôin chuyển sang ma túy đá để có cảm giác kích thích mạnh hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng ma túy đá sẽ gây nên những hệ lụy nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của con người. Cụ thể, sau khi sử dụng ma túy đá, người dùng có thể không cần ngủ từ 5-7 ngày mà vẫn tỉnh táo. Sau một thời gian sử dụng, sức khỏe và tinh thần sẽ giảm sút, gây ra tình trạng nhũn não. Và lúc đó, nhân cách con người cũng sẽ bị biến đổi”, bác sĩ Quang phân tích.
Bác sĩ Quang cho biết thêm, chất kích thần trong ma túy đá tác động lên hệ thống dẫn truyền thần kinh trên não tạo ra những cảm giác phấn khích trong một thời gian dài. Khi sử dụng ma túy đá, người dùng có cảm giác phấn khích, tăng nhịp tim, tăng hoạt động tình dục. Về mặt tâm thần, sẽ gây ra những cảm giác hoang tưởng, như tự cho mình là người cao siêu làm gì cũng được hoặc đang bị một người nào đó theo dõi, hãm hại… Người dùng cũng có thể có những ảo giác (nhìn thấy điều khác thường), ảo thị (nhìn thấy như thật mà người khác không thấy), ảo thanh (nghe tiếng nói: khen, chê, ra lệnh... của một ai đó cho mình), ảo xúc giác (thấy côn trùng bò trên da thịt của mình)… Đặc biệt, việc sử dụng ma túy đá có thể gây nên những rối loại xung động với những hành vi: muốn leo lên cao, muốn la hét và nghiêm trọng hơn là muốn giết ai đó… “Những trường hợp “ngáo đá” gây án thường là do rối loạn xung động mà dẫn đến. Thời điểm này, người sử dụng ma túy đá thường mất kiểm soát hoặc kiểm soát rất yếu hành vi của mình” - bác sĩ Quang cho biết.
|
Bình luận (0)