Gần đây, tạp chí Jane’s Defense Weekly đưa tin Tokyo đang đẩy nhanh việc tăng cường lực lượng đổ bộ. Trong đó, tàu sân bay trực thăng là một trong những dấu ấn quan trọng nhất của Nhật Bản khiến thế giới phải quan tâm đến sức mạnh tấn công và đổ bộ mà nước này đang theo đuổi.
Từ tàu sân bay...
Hồi năm 2007, tờ The Chosun Ilbo của Hàn Quốc gây chú ý bằng bài viết mang tựa: “After 40 years, Japan achieves warship dream”, tạm dịch là “Sau 40 năm, Nhật Bản đạt giấc mơ tàu chiến”. Báo này đưa tin như thế vì Tokyo khi đó vừa chính thức hạ thủy chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu sân bay trực thăng Hyuga. Về danh nghĩa thì tàu Hyuga đầu tiên vẫn chỉ là một tàu đổ bộ, với độ choán nước khoảng 13.500 tấn, có thể chở theo khoảng hơn 11 máy bay trực thăng, trong đó có 4 trực thăng SH-60 chuyên săn tàu ngầm. Tuy nhiên, đây vẫn là một tổ hợp tác chiến ấn tượng khi tàu Hyuga được trang bị nhiều vũ khí tối tân như 16 ống phóng tên lửa thẳng đứng, ngư lôi, tên lửa đối không, hệ thống pháo cận chiến…
Ngoài ra, tàu này còn sở hữu hệ thống radar, định vị sóng âm (sonar) cực kỳ hiện đại. Vì thế, khả năng phòng vệ và tấn công của tàu Hyuga khá mạnh mẽ chứ không bị hạn chế như nhiều hàng không mẫu hạm cỡ lớn. Tất cả các ưu điểm trên giúp chiến hạm Hyuga trở thành một tàu sân bay trực thăng rất hữu dụng.
Đến nay, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản được trang bị đến 2 chiếc loại này lần lượt mang số hiệu là DDH-181 và DDH-182.
|
... Đến cuộc chạy đua trang bị vũ khí tối tân
Tuy nhiên, với một quốc gia mà bốn bề là biển và khu vực đang có nhiều bất ổn, Nhật Bản khó thể hài lòng với 2 tàu Hyuga như hiện tại.
|
Từ năm 2009, truyền thông quốc tế đưa tin Nhật Bản đang cấp tập phát triển lớp chiến hạm kế tiếp Hyuga.
Đến ngày 27.1.2012, Tập đoàn Công nghiệp nặng Ishikawajima-Harima (IHI) của Nhật Bản công bố vừa hạ thủy tàu sân bay trực thăng lớp 22DDH. Dự kiến, chiếc đầu tiên thuộc lớp này mang số hiệu DDH-183 và sẽ chính thức được triển khai từ năm 2015.
Tàu sân bay trực thăng 22DDH có độ choán nước 19.500 tấn, dài đến 248 mét. Theo thiết kế, tàu này có thể chở theo 14 trực thăng cỡ lớn cùng lực lượng 970 binh sĩ và thủy thủ đoàn. Đồng thời, thiết kế còn cho phép 5 trực thăng cùng lúc bay lên hoặc hạ xuống tàu 22DDH. Về vũ khí, nó được trang bị hệ thống pháo cận chiến 20 mm và hệ thống tên lửa đối không.
Với các thông số trên, theo giới chuyên gia, tàu 22DDH đang xích gần hơn đến thiết kế của một hàng không mẫu hạm đích thực. Đặc biệt, chiều dài 248 mét chẳng ngắn hơn bao nhiêu so với tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle sử dụng năng lượng nguyên tử. Con số trên cũng lớn hơn rất nhiều so với chiều dài 197 mét của tàu Hyuga. Nhờ đó, các chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 phiên bản B, với khoảng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng, có thể hoạt động trên 22DDH.
Thông tin này khá phù hợp với việc Nhật Bản vừa đặt hàng mua chiến đấu cơ F-35 sau thương lượng với Mỹ để sở hữu bản quyền tự sản xuất loại máy bay tối tân này.
Ngoài ra, theo giới truyền thông quốc tế, Tokyo dự kiến đến năm 2017 sẽ sở hữu tổng cộng 2 chiếc 22DDH. Khi đó, Nhật Bản có lẽ cũng đã có một lực lượng F-35 nhất định. Vì vậy, khả năng 22DDH biến thành hàng không mẫu hạm đích thực có lẽ chẳng còn xa.
Ngô Minh Trí
>> Trung Quốc sắp biên chế chính thức tàu sân bay?
>> Tàu sân bay Trung Quốc bị nghi vấn trang bị vũ khí "khủng
>> Nga sẽ đóng tàu sân bay mới sau năm 2020
>> Mỹ triển khai hai tàu sân bay tại Trung Đông
>> Tàu sân bay Ấn Độ bắt đầu chạy thử
>> Trung Quốc sắp tự đóng hai tàu sân bay
>> Đài Loan triển khai thêm nhiều “sát thủ tàu sân bay”
>> Tàu sân bay Trung Quốc sẽ được triển khai ở biển Đông
>> Tàu sân bay Mỹ tuần tra gần bờ biển Iran
>> Tàu sân bay huyền thoại của Mỹ ra khơi lần cuối
Bình luận (0)