Tích cực chăm lo và giải quyết các đòi hỏi chính đáng của người lao động

22/02/2012 16:23 GMT+7

Trong năm 2012, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tiếp tục tăng cường phối hợp về xây dựng pháp luật, chính sách liên quan đến công nhân, viên chức, lao động; phối hợp chăm lo đời sống người lao động, giải quyết hiệu quả hơn nữa các vụ đình công cũng như giải quyết các đòi hỏi chính đáng của người lao động.

Thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sáng 22/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước trong những năm qua có sự đóng góp rất lớn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan công đoàn các cấp.

Tăng cường phối hợp

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sự phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là hết sức chặt chẽ, hiệu quả, mà trước hết phải kể đến sự phối hợp trong soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những văn bản liên quan trực tiếp tới quyền lợi chính đáng của người lao động; phối hợp tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua, qua đó góp phần rất lớn vào sự ổn định chính trị, công tác an sinh xã hội; phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với người lao động, đặc biệt là vấn đề an toàn trong lao động, sản xuất;…

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền trong giải quyết các vụ đình công, giải quyết các yêu cầu chính đáng của người lao động.

Nhấn mạnh năm 2012 bên cạnh những thuận lợi, dự báo tình hình kinh tế-xã hội sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; vấn đề về việc làm của người lao động, quan hệ lao động còn phức tạp, đời sống của người lao động sẽ còn gặp những khó khăn…, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tiếp tục tập trung phối hợp chặt chẽ trên các mặt công tác, tăng cường phối hợp về xây dựng pháp luật, chính sách liên quan đến công nhân, viên chức, lao động; phối hợp chăm lo đời sống cho người lao động, giải quyết hiệu quả hơn nữa các vụ đình công cũng như giải quyết các đòi hỏi chính đáng của người lao động, phấn đấu giảm 50% số vụ đình công so với năm 2011.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn. - Ảnh: Chinhphu.vn

Đồng thời, phối hợp tổ chức phát động và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua nhân dịp các sự kiện lịch sử, chính trị trọng đại của đất nước; tăng cường phối hợp trong việc trao đổi thông tin, tiếp nhận và giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp tới người lao động về việc làm, đời sống…

Thủ tướng cũng cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn tại các doanh nghiệp, nhằm phát hiện sớm các vi  phạm, kịp thời xử lý vi phạm, giải quyết vướng mắc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ…

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến cơ chế, chính sách về nhà ở cho công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, lao động; hỗ trợ người lao động làm việc trong các doanh nghiệp phải nghỉ việc do di dời doanh nghiệp từ trong thành phố ra ngoại ô; các vấn đề liên quan đến tổ chức công đoàn;…

Hoạt động theo Quy chế đạt nhiều kết quả tích cực

Trong năm 2011 vừa qua, sự phối hợp hoạt động theo Quy chế giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tăng cường phối hợp trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, nhất là các quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và tổ chức Công đoàn.

 
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại buổi làm việc. - Ảnh: Chinhphu.vn


Chia sẻ với những khó khăn chung của doanh nghiệp, các cấp công đoàn đã chủ động triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ công nhân, viên chức, lao động theo tinh thần chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị với Chính phủ và được chập thuận điều chỉnh tiền lương tối tiểu sớm trước 3 tháng và một số chính sách như miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có sử dụng từ 30 lao động trở lên…

Việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và quy định pháp luật có liên quan cho công nhân, lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” được các cấp công đoàn triển khai với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú.

Thông qua các Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, định kỳ hàng năm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đều tập hợp một số kiến nghị liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan giải quyết.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng, 6 tháng, 1 năm và các báo cáo đột xuất liên quan. Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định kỳ được tiếp nhận thông tin từ Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, trên cơ sở đó đã kịp thời nghiên cứu để có kế hoạch triển khai chỉ đạo trong hoạt động công đoàn các cấp cho phù hợp với tình hình chung và sự chỉ đạo của Chính phủ.

Ngoài ra, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp thông qua việc cử đại diện lãnh đạo tham dự các hoạt động của mỗi bên. Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tốt với các Bộ, ngành kịp thời giải quyết hiệu quả những khó khăn, bức xúc của người lao động.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.