Hoàng Cao Khải là nhân vật chính trị gây ra nhiều tranh luận trong lịch sử Việt Nam. Ông sinh năm 1850, đỗ cử nhân năm 1868 thời Tự Đức, đường quan lộ gặp nhiều thuận lợi. Ông cộng tác với người Pháp, là công thần cả hai phía Việt - Pháp, hành trạng của ông bị dư luận đương thời chỉ trích mạnh mẽ. Vì có lịch sử thân Pháp, công trình Việt sử yếu (viết năm 1914) vì thế cũng thể hiện quan điểm của ông trong việc nhìn nhận những giá trị của nền văn minh Pháp, ông viết: “Người nước ta ngày xưa được giáo hóa là do người Trung Quốc. Còn nước ta ngày nay thì lại do nước Pháp mà tiến tới văn minh. Vả chăng cạnh tranh là bước thang tiến hóa, cho nên học giới ngày nay nên lấy nước Pháp làm thầy hướng đạo” (tr.30). Với con người chính trị nổi tiếng như Hoàng Cao Khải, quan điểm này bị độc giả đương thời phê phán với ý rằng ông đang tự biện minh cho lý lịch thân Pháp của mình.
Chân dung Kinh lược sứ Bắc kỳ Hoàng Cao Khải |
Pierre Dieulefils |
Cách viết sử mới đương thời
Ngay từ Bài tựa, tác giả đã nhắc qua một số nhược điểm của quốc sử truyền thống, rằng “sử là dư luận chung của một nước, chẳng phải tư phổ của một gia đình hay một dòng họ”, “tập trung nhiều sự thực mà thành sử” (tr.23), “nước ta không có tín sử” (tr.24), “nước ta quá thiên trọng Bắc sử” (tr.26)… Phương pháp viết Việt sử yếu cũng được Hoàng Cao Khải nêu rõ rằng “các nhà làm sử nên bỏ bớt những điều gì phiền phức, không rõ rệt, những tiểu tiết vô ích rườm rà, và sửa chữa lại những gì nhầm lẫn, lộn xộn và mơ hồ” (tr.28), “sử gia cần biên soạn thế nào cho giản dị, thiết thực mà lại rõ ràng dễ hiểu” (tr.29)...
Tác giả Hoàng Cao Khải đã tiến hành sắp đặt, thu gọn lại những sự việc trong sử Việt, những sự tích cũ được dẫn chiếu theo bộ Khâm định Việt sử thông giám, sự việc thuộc phần chính trị được tham khảo và căn cứ theo bộ Lịch triều hiến chương loại chí, và nhiều nguồn sử liệu khác nữa được ông tham khảo. Ngoài việc ghi chép, ông cũng thể hiện rõ sử quan bằng những ý kiến phê bình, nhận xét các sự kiện ở phần “nhà làm sử bàn” và “nhà làm sử bình luận” cuối các chương sách.
Nội dung Việt sử yếu được bố cục thành 3 quyển không cân đối, chia thành 6 tiết lớn, trong mỗi tiết có nhiều chương. Hoàng Cao Khải viết Việt sử yếu không theo lối viết sử biên niên thời quân chủ trước đó mà theo lối viết sử phương Tây, mọi thứ gãy gọn, súc tích, trích dẫn sử liệu, đi kèm là công tác phê phán tư liệu. Ảnh hưởng đầu tiên được thể hiện qua cách ông phân kỳ Việt sử thành bốn thời đại theo tiến trình phát triển của lịch sử: thời đại thượng cổ, thời đại nước ta nội thuộc Trung Quốc, thời đại nước ta tự chủ, thời đại văn minh tiến bộ của nước ta.
Thực hiện công trình này, ngoài việc viết về các triều đại và sự kiện như lối viết sử cũ, tác giả còn dành nhiều phần nội dung cho các nhân vật lịch sử với cả khen lẫn chê trên lập trường chủ quyền, lợi ích quốc gia và dân tộc. Ví dụ, Hoàng Cao Khải đánh giá vua Lê Đại Hành “đối với vua Đinh [Tiên hoàng] vốn là người có tội [theo luân lý quân thần, đạo đức Nho giáo], mà đối với nước ta, thật là kẻ có công vậy” (tr.128). Hoặc khi nói về việc chia đôi đất nước thời Trịnh - Nguyễn, ông viết: “nhà Trịnh vốn đắc tội với Tổ quốc đã đành, nhưng xét trong hàng đế vương nhà Lê, không nghe nói có một vị vua nào đủ hùng tài, đủ sáng suốt và quyết đoán dám đứng lên để tóm thâu lấy chủ quyền quốc gia về trong tay mình” (tr.300)…
Bìa sách Việt sử yếu, Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch, Nhã Nam và NXB Hồng Đức ấn hành năm 2021 |
NGUYỄN QUANG DIỆU |
Làm sử và bình sử
Vai trò của các nhân vật lừng lẫy trong sử Việt (như Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…) và đóng góp của họ trong tiến trình lịch sử cũng được Hoàng Cao Khải chú trọng khai thác, đề cập và đưa ra các nhận định. Hoàng Cao Khải nhận xét về lòng trung ái của Tô Hiến Thành khi vừa thờ ấu chúa vừa không làm mất lòng nữ chúa như sau: “Người đời xưa theo kinh độ trên trời mà khen ngợi Địch Nhân Kiệt [thờ nữ chúa] và nói: “Từ sao Bắc Đẩu trở về Nam, chỉ có một mình Địch Nhân Kiệt”. Còn chúng tôi thì lấy phân rã dưới đất mà xưng tụng Tô Hiến Thành và nói: “Từ Bắc kỳ trở vào Nam, Tô Hiến Thành là hơn hết” (tr.168). Những nhân vật thuộc lĩnh vực sử học và y học cũng được tác giả chú ý đưa vào sách, như các sử gia Ngô Sĩ Liên, Ngô Thời Sĩ, Phan Phu Tiên, Lê Quý Đôn... hay danh y Lê Hữu Trác…
Việt sử yếu được viết bằng Hán tự, năm 1915 được dịch sang quốc ngữ và đăng trên Đông Dương tạp chí số 2-21 với nhan đề Việt Nam sử yếu. Năm 1971, bản dịch Việt ngữ của dịch giả Lê Xuân Giáo được Ủy ban Dịch thuật, phủ Quốc Vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản ở Sài Gòn, in song ngữ Việt - Hán nhưng thiếu tiết thứ 6. Trong lần tái bản này, Ban Biên tập Nhã Nam đã bổ sung phần thiếu lấy từ bản quốc ngữ trên Đông Dương tạp chí (số 17-21). Nội dung tiết thứ 6 chép việc văn minh giao tiếp giữa Việt Nam với Pháp năm 1802 - 1911. Vì vậy, ấn bản Việt sử yếu lần này được xem là đầy đủ và hoàn thiện nhất về nội dung và hình thức.
Việt sử yếu là công trình văn hóa - lịch sử, là cánh cửa khác giúp độc giả dễ dàng đi vào các ngõ ngách sử Việt. Hoàng Cao Khải thực hiện cùng lúc hai việc là làm sử và bình sử, qua đó thể hiện được sự uyên bác của một nhà nho thông thạo Hán - Nôm và đọc thạo quốc sử. Việt sử yếu vì thế là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị đối với độc giả phổ thông và nhà phê bình sử hiện nay.
Bình luận (0)