Việt - Úc thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ và giáo dục

An Nguyên
(từ Canberra)
09/03/2024 06:00 GMT+7

Ngày thứ 2 trong chương trình thăm chính thức Úc, và là ngày đầu tiên sau khi hai nước tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm 2 biểu tượng về nghiên cứu khoa học và giáo dục của nước Úc.

Thông điệp chính trong phát biểu của Thủ tướng khi đến thăm Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Úc (CSIRO) và tại Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Úc hôm qua (8.3) là Việt Nam cam kết và sẵn sàng cho việc hợp tác sâu rộng với Úc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ và giáo dục đại học.

Việt - Úc thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ và giáo dục- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Úc

Nhật Bắc

Hợp tác khoa học công nghệ là trụ cột

CSIRO là cơ quan khoa học - công nghệ của Chính phủ Úc, được thành lập vào năm 1916. CSIRO là một trong những tổ chức khoa học - công nghệ đa ngành lớn nhất thế giới, gồm 5.500 nhân viên với 57 cơ sở đặt trên khắp Úc và các văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ, Chile, Pháp, Singapore, Indonesia và Việt Nam; đóng góp giá trị khoảng 4,5 tỉ đô-la Úc cho nền kinh tế Úc.

Phát biểu tại đây Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, để đạt được những thành tựu phát triển vừa qua, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, trong đó có Úc. Ông cho biết đã cảm nhận rõ tình cảm của nhân dân Úc đối với Việt Nam, nhất là các nhà khoa học Úc rất chân thành, tin cậy, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với nhau.

Theo Thủ tướng, những định hướng của CSIRO trong tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp… đều phù hợp với các chính sách phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định việc hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là không có giới hạn, vấn đề là cách thức hợp tác như thế nào. Thủ tướng đề nghị hai bên xây dựng các dự án cụ thể từ nguồn quỹ đầu tư 2 tỉ USD của Úc cho Đông Nam Á; mong muốn hợp tác với CSIRO tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả rất tốt đẹp những năm qua, triển khai các chương trình, dự án hợp tác thiết thực, hướng vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, chuẩn bị kỹ lưỡng, mang lại sản phẩm, kết quả cụ thể.

Tổng giám đốc CSIRO Doug Hilton cho biết, hiện cơ quan này đang hợp tác về khoa học công nghệ với Việt Nam trên cơ sở những chương trình cụ thể như chương trình ngành tôm ở đồng bằng sông Cửu Long, chương trình chấm dứt rác thải nhựa, công nghệ quan sát bằng vệ tinh, chương trình nghiên cứu y tế phục vụ chữa trị ung thư.

Theo Thủ tướng, các địa phương, bộ, ngành sẽ xây dựng các chương trình, dự án để mời CSIRO hợp tác. Và "Chính phủ Việt Nam sẽ có các cơ chế, chính sách, chỉ đạo, điều hành để các chương trình, dự án triển khai được thuận lợi", Thủ tướng cam kết.

Cũng tại buổi làm việc, đồng Bộ trưởng Ngoại giao Úc Tim Watts cũng xác nhận rằng, hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trụ cột trong quan hệ hai nước và Chính phủ Úc cam kết tăng cường kết nối, hợp tác trong lĩnh vực này với Việt Nam. Vừa qua, Úc công bố sáng kiến thành lập quỹ 2 tỉ USD đầu tư vào Đông Nam Á và các chương trình hợp tác hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hợp tác giáo dục đào tạo là ưu tiên

Trong chuyến thăm Úc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần này, thúc đẩy hơn nữa hợp tác giáo dục là một trong những nội dung được ưu tiên; được thể hiện qua hàng loạt các sự kiện quan trọng. Ngay trong thời gian ở Melbourne dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Úc, ông đã làm việc với Hiệu trưởng Đại học RMIT, dự lễ khánh thành Viện Chính sách Việt Nam - Úc và hôm qua là tham dự Diễn đàn hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam - Úc. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn thì có nhiều cuộc làm việc với những người đồng cấp và các cơ sở giáo dục nhằm chia sẻ, thống nhất các nội dung hợp tác cụ thể trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Theo Thủ tướng, Úc là một trong những lựa chọn phổ biến hàng đầu của du học sinh Việt Nam. Số du học sinh Việt Nam tại Úc hiện tại là hơn 32.000 người, đứng thứ 6 trong số các nước có du học sinh tại đây, khoảng 80.000 người khác đã từng học tập và nghiên cứu tại Úc, đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển và thúc đẩy quan hệ song phương.

Cùng với đó, hợp tác giữa các cơ sở giáo dục cũng ngày càng mở rộng, hiệu quả. Hiện có 37 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học hai nước. Hiện đã thành lập Trung tâm Việt Nam - Úc tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; một số đại học Úc đã mở cơ sở tại Việt Nam; Viện Chính sách Úc - Việt Nam vừa được thành lập tại Đại học RMIT…

Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới dựa trên 3 yếu tố nền tảng: Xây dựng nền dân chủ XHCN; Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, nguyên tắc xuyên suốt là: Lấy con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển.

Vì lấy con người là trung tâm, nên Việt Nam coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược; phát triển con người gắn với văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh.

Theo Thủ tướng, Việt Nam có nền tảng để có thể hợp tác giáo dục hiệu quả với Úc. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế của OECD xếp hạng Việt Nam ở thứ 34/81 quốc gia và đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore.

Học sinh Việt Nam luôn đạt kết quả cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc hàng đầu trong nhóm các nước đang phát triển.

"Chúng tôi có nhu cầu nguồn nhân lực cao, trong đó có các ngành đòi hỏi nhân lực chất lượng cao như y tế, giáo dục, chế biến, chế tạo, tài chính, ngân hàng, logistics và các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức", Thủ tướng gợi ý.

"Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện"

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, việc đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn hạn chế do cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, một số cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa có chính sách đột phá thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân tài, đặc biệt việc hội nhập, hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo còn chưa tương xứng tiềm năng, yêu cầu.

Ông cho biết, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam còn khiêm tốn, còn nhiều dư địa, tiềm năng. Đến nay mới chỉ có 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài; trong đó RMIT Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên và cũng là phân hiệu duy nhất của một trường đại học của Úc tại Việt Nam.

Do vậy, Thủ tướng đề nghị cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và Úc. Ông gợi ý về việc cần đa dạng hóa các hình thức đào tạo trong các ngành trọng tâm, trọng điểm mà Việt Nam đang tập trung phát triển như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, hydrogen.

"Việt Nam cam kết bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài, các cơ sở giáo dục nước ngoài ở Việt Nam với phương châm các bên cùng có lợi, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng liên quan phía Việt Nam phối hợp chặt chẽ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hợp tác trong lĩnh vực giáo dục với các đối tác nói chung và với Úc nói riêng. "Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện phải có hiệu quả", Thủ tướng nhắc lại.

Chiều nay (9.3) ,Thủ tướng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ đến New Zealand bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này từ ngày 9 - 11.3, theo lời mời của Thủ tướng Christopher Luxon. Trong chuyến thăm New Zealand lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai nước sẽ tiếp tục trao đổi về các biện pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương, trong đó có hợp tác trong những lĩnh vực truyền thống như là thương mại, đầu tư. Trọng tâm hợp tác giữa hai nước cũng sẽ bao gồm các lĩnh vực mang tính gắn kết, giao lưu nhân dân, đặc biệt là hợp tác về lao động, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.