Đặc biệt ngày 14.2.2020, ngân hàng Vietbank đã phối hợp với Bệnh viện Quốc tế City và Bệnh viện Gia An 115 tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến: Lây nhiễm virus Corona và cách phòng tránh với sự tham gia tư vấn của PGS-TS-BS Trần Quang Bính - Phó giám đốc Y Khoa Bệnh viện Quốc tế City, BS.CK2 Phan Thanh Toàn - Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Gia An 115.
|
Dưới đây là những câu hỏi được các bác sĩ tư vấn, giải đáp.
Thưa các bác sĩ, được biết theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì có 3 con đường cơ bản để lây nhiễm Covid-19. Vậy với những người công tác trong lĩnh vực ngân hàng thường xuyên tiếp xúc với tiền cũng như gặp gỡ nhiều người, tham gia hội họp và đi trong thang máy vậy thì làm thế nào để tránh lây nhiễm?
PGS-TS-BS Trần Quang Bính: Virus Corona cũng giống như những loại virus, những tác nhân gây bệnh khác lây qua đường hô hấp. Tức là sự lây truyền của nó thường sẽ qua 3 con đường chính:
Lây qua giọt bắn: khi người bệnh đướng trước mặt để tiếp cận với mình thì người ta có thể ho rồi sau đó những giọt bắn sẽ theo nhưng dịch tiết từ trong họng bay ra ngoài.
Lây qua tiếp xúc: tức là lây qua các bàn tay của chúng ta và đây là điều hết sức quan trọng mà ta cần lưu ý trong biện pháp phòng tránh.
Lây qua không khí: nhưng đây là con đường xảy ra rất hạn hữu. Khi mà bệnh nhân được làm các thủ thuật như là bệnh nhân đặt nội khí quản khi bệnh nhân bị suy hô hấp.
Bệnh nhân được nội soi khí phế quản để lấy những bệnh phẩm hay là được phun khí dung trong điều trị. Chính những thủ thuật đó có thể lây truyền qua đường không khí mà người làm thủ thuật cần phải chú ý. Còn thông thường chúng ta nên chú ý đến 2 con đường đó là lây qua đường bắn và con đường tiếp xúc. Vì vậy đối với các bạn làm trong lĩnh vực ngân hàng chúng ta cần chú ý:
Hãy mang khẩu trang đúng cách và giữ khoảng cách an toàn cho mình với người đối diện tối thiểu trên 1m. Trong trường hợp tiếp xúc với khách hàng đang ngồi trước mặt biện pháp tốt nhất là nên mang khẩu trang và đừng quên thường xuyên rửa tay.
Hiện nay có một số tỉnh thành thông báo cho học sinh trở lại trường học trong khi có nhiều thông tin cho rằng Covid-19 có thể ủ bệnh 24 ngày và đỉnh điểm của dịch có thể xuất hiện vào cuối tháng 2. Vậy bác sĩ có tư vấn gì để tránh lây lan trong môi trường học đường ạ?
BS.CKII Phan Thanh Toàn: Covid-19 chủ yếu lâu qua đường giọt bắn và đường tiếp xúc. Chính vì thế học sinh trong môi trường học đường nên áp dụng các biện pháp phòng tránh virus lây nhiễm. Trong trường học hay trong nhà phụ huynh nên nhắc nhở các em học sinh lưu ý:
Tăng cường vệ sinh cá nhân: vệ sinh tay, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn có cồn. Khi ho hay sổ mũi phải che bằng tay hoặc khăn giấy và rửa tay sạch sau đó.
Nếu trẻ có những biểu hiện như ho, sốt,… phải đưa trẻ đến bệnh viện khám chứ không nên đưa trẻ đến trường. Ngoài ra nhà trường nên tăng cường vệ sinh, sát khuẩn những nơi trẻ hay tiếp xúc, có thể hạn chế sử dụng máy điều hòa và mở cửa cho không gian thông thoáng.
|
Vacxin cúm thì có tác dụng trong phòng ngừa virus corona không? Và đang trong đợt dịch thì có nên đưa trẻ đi chích ngừa không?
PGS-TS-BS Trần Quang Bính: Hiện nay chúng ta chưa có đủ chứng cứ khoa học để chứng minh virus cúm có thể giúp bảo vệ tránh khỏi Covid-19. Virus cúm có nhiều chủng và mỗi dòng cúm thì nó sẽ thay đổi mỗi năm. Chính vì vậy chủng cúm chúng ta mắc năm trước sang năm sau có thể sẽ mắc một chủng khác chứ không phải là cứ tiêm vacxin cúm sẽ tránh được cúm. Tuy nhiên, nếu chúng ta có tiêm vacxin phòng ngừa thì có thể giúp ích được cho mình, bảo vệ được cho mình và nếu chúng ta có mắc bệnh thì có thể bảo vệ được cho mình và những người xung quanh.
Và trong mùa dịch như thế này nếu có điều kiện nên tiêm vacxin cho bản thân hay cho trẻ nhỏ bởi nếu trong mùa dịch thế này nếu lỡ không may mình mắc thêm một loại cúm nào đó thì cơ thể mình không đủ khỏe mạnh để chống lại dịch bệnh.
Bác sĩ có thể có biết tín hiệu lạc quan của dịch bệnh này và tình hình như thế thì dự kiến trong bao lâu nữa thì khả năng dịch bệnh được khống chế?
PGS-TS-BS Trần Quang Bính: Không chỉ người dân và những người làm y tế cũng rất lo lắng. Dịch bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế. Tuy nhiên chúng ta không nên lo lắng một cách thái quá để cuối cùng chính chúng ta là người sợ hãi, rồi không làm được việc gì. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên mất cảnh giác để rồi mình bị nhiễm bệnh. Do đó thái độ ứng xử của mình phải thực đúng mực, nghĩa là khi chúng ta đến nơi đông người thì chúng ta hãy tự giác đeo khẩu trang, giữ khoảng cách phù hợp. Những người có bệnh về hô hấp thì không nên đi đến chổ đông người hoặc chúng ta phải biết che khi chúng ta ho, cần nhớ rửa tay tiếp xúc. Cũng may Việt Nam không phải là ổ dịch. Hiện chỉ có Vĩnh Phúc bị cô lập, cách ly để khống chế. Hy vọng, sắp tới khí hậu nóng lên, điều kiện nhiệt độ nóng hơn không phù hợp với điều kiện truyền bệnh của virus thì chúng ta sẽ trở lại với cuộc sống bình thường.
Bác sĩ tư vấn giúp chế độ sinh hoạt, ăn uống, tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng nhằm phòng chống dịch do virus Corona?
PGS-TS-BS Trần Quang Bính: Chúng ta nên tăng cường ăn uống đủ chất, đủ đạm, tinh bột, khoáng chất, vitamin. Ngoài ra nếu như một người khỏe mạnh muốn phòng ngừa thì chúng ta nên tăng cường vận động thể dục, vận động cơ thể để tăng sức đề kháng để phòng ngừa bệnh.
Không chỉ đối với việc ngăn chặn virus Corona mà chúng ta mới tập thể dục mà cần tập luyện mỗi ngày, thường xuyên ngay cả khi không có dịch bệnh. Thể trạng cơ thể chúng ta có hệ miễn dịch tốt, sức đề kháng tốt có thể phòng ngừa được rất nhiều loại virus.
|
Bình luận (0)