Nhưng không chỉ có thế, năm 2018 còn chứng kiến dấu ấn vươn tầm khu vực của Vietcombank: lần đầu tiên trong lịch sử phát triển mạng lưới, Vietcombank thành lập ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài và Lào - một quốc gia đang vươn mình phát triển với vị trí chiến lược trên trục đường chính trong hành lang kinh tế Đông - Tây và Nam - Bắc chính là thị trường đầy tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á mà Vietcombank lựa chọn cho lần thâm nhập thị trường nước ngoài mang tính cột mốc này.
Những viên gạch đầu tiên
Nhìn lại chặng đường 55 năm của Vietcombank, từ những ngày đầu thành lập, Vietcombank đã phát huy tốt vai trò của một ngân hàng đối ngoại chủ lực, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế trong nước, đồng thời tạo những ảnh hưởng quan trọng đối với cộng đồng tài chính khu vực và toàn cầu. Mang trong mình khát vọng hội nhập lớn, Vietcombank đã đặt những viên gạch đầu tiên ở các thị trường tài chính quan trọng trên thế giới với việc thành lập Văn phòng đại diện tại Paris, Moscow, Singapore và Công ty tài chính VINAFICO tại Hồng Kông.
Với mục tiêu đến năm 2020 đưa Vietcombank trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực; một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, Vietcombank tiếp tục hiện thực hóa kế hoạch mở rộng sự hiện diện tại nước ngoài, đặc biệt tại các khu vực có nhiều tiềm năng phát triển, trong đó việc thành lập ngân hàng 100% vốn tại Lào có thể coi là bước chuyển mình ý nghĩa của Vietcombank trong năm 2018. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển mạng lưới, Vietcombank lựa chọn hình thức thành lập ngân hàng 100% vốn, thay vì những lựa chọn phát triển dưới hình thức văn phòng đại diện hay công ty tài chính ở các thị trường nước ngoài như trước đó. Song song với đó, việc Vietcombank lựa chọn Lào là thị trường hoạt động tiếp theo có thể coi là bước đi chiến lược quan trọng trong việc phát triển hiện diện kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á.
|
Việt Nam là quốc gia thuộc top đầu các nước có hoạt động đầu tư tại Lào và Lào cũng là nước mà doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lớn nhất. Số dự án và vốn đầu tư của Việt Nam sang Lào gia tăng hằng năm. Điển hình là các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn như: dự án xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu của PV Oil và Petrolimex; dự án mạng viễn thông tại Lào của Tập đoàn Viettel (84 triệu USD)...
Hiện nay có 5 ngân hàng TMCP tại Việt Nam có hiện diện là chi nhánh và ngân hàng con hoạt động tại Lào gồm VietinBank Lào, SHB Lào, Sacombank Lào, Lào Việt Bank và MB Lào. Là ngân hàng thành lập sau nhưng với cơ sở khách hàng phù hợp với thế mạnh của Vietcombank, Vietcombank Lào sở hữu những lợi thế riêng khi phát triển kinh doanh tại thị trường quốc gia Đông Nam Á này. Cơ cấu các dự án đầu tư tại Lào được trải đều trên một số ngành chính như năng lượng, khai khoáng, dầu khí - xăng dầu và công nghiệp chế biến - chế tạo, xây dựng… cũng là các ngành mà Vietcombank có lợi thế và truyền thống trong cung cấp sản phẩm - dịch vụ tín dụng và ngân hàng tại Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Mạnh Thắng - Phó tổng giám đốc Vietcombank kiêm Chủ tịch Vietcombank Lào cho biết: “Về cơ bản, Vietcombank Lào được thừa hưởng uy tín và thương hiệu Vietcombank với nền tảng hạ tầng công nghệ hiện đại; sản phẩm dịch vụ đa dạng; hệ thống quản lý rủi ro, giám sát hoạt động chặt chẽ. Nhằm mục đích tạo sức cạnh tranh với các ngân hàng khác, dự kiến Vietcombank Lào sẽ tập trung khai thác và phục vụ các đối tượng khách hàng có mối quan hệ vững chắc với ngân hàng mẹ tại Việt Nam. Đồng thời, không ngừng nghiên cứu đổi mới sản phẩm dịch vụ đảm bảo thích ứng và phù hợp với môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân tại Lào”.
Bình luận (0)