VietinBank đã bám sát diễn biến của thị trường, nhu cầu thực tế của doanh nghiệp (DN), người dân để chủ động cung ứng lượng tín dụng kịp thời, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn chính đáng và cần thiết của khách hàng (KH).
Hỗ trợ tích cực, tối đa DN và người dân
Tác động của dịch Covid-19 là rất lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, do đó tác động trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trên cơ sở diễn biến của tình hình dịch bệnh cũng như những phân tích dự báo về tình hình, VietinBank đã sớm chủ động để thực hiện các biện pháp, nhanh chóng thích ứng với trạng thái bình thường mới, thực hiện “mục tiêu kép”: vừa hỗ trợ KH chịu ảnh hưởng khôi phục hoạt động sau dịch bệnh, vừa đổi mới, tái cấu trúc để phát triển bền vững. Trọng tâm chính là chuyển đổi số mạnh mẽ, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển gắn với mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế.
VietinBank đã kịp thời hỗ trợ DN, người dân vay vốn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 bằng việc giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất tiền vay; giảm, miễn một số phí dịch vụ, cung cấp đa kênh thanh toán nhằm hỗ trợ KH duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết: VietinBank cũng chủ động nắm bắt tình hình, chủ động làm việc với các KHDN và người dân để đánh giá những tác động cũng như lường đón, dự báo các tác động của dịch bệnh đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và các nguồn thu nhập của họ để tiếp tục đồng thời tư vấn họ có những phương án tổ chức SXKD trong điều kiện của dịch bệnh, điều chỉnh, cơ cấu lại hoạt động SXKD. Theo kế hoạch, năm 2020 chúng tôi sẽ dành khoản lợi nhuận khoảng 4.000 tỉ đồng để hỗ trợ DN và người dân thông qua việc hạ lãi suất cho vay hoặc thông qua cắt, giảm, miễn phí dịch vụ để hỗ trợ KH.
Tính tới thời điểm 30.10.2020, VietinBank đã giải ngân cho 6.749 KH gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 với doanh số giải ngân là 320.035 tỉ đồng. VietinBank có 1.426 KH đang được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN với dư nợ là 59.290 tỉ đồng, tương đương 6,17% dư nợ danh mục VietinBank.
|
Đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn chính đáng của KH
Trong thời gian qua, VietinBank đã đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện các mặt hoạt động, đẩy mạnh số hóa các kênh cung ứng để đáp ứng đầy đủ và toàn diện nhu cầu của KH, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đặc biệt trong giai đoạn giãn cách. VietinBank tập trung phát triển các sản phẩm thanh toán trực tuyến hiện đại để đáp ứng nhu cầu của KH trong thời gian phong tỏa, cách ly do đại dịch Covid-19, góp phần hạn chế tiếp xúc đồng thời cho phép cung cấp dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, cho mọi đối tượng trên cơ sở thuận tiện, an toàn, bảo mật.
Mô hình kinh doanh của VietinBank được dịch chuyển từ tăng trưởng quy mô là chính sang cải thiện chất lượng dịch vụ và phát triển hiệu quả, trên cơ sở nền tảng ngân hàng hiện đại và đa dịch vụ. VietinBank cung cấp giải pháp tài chính toàn diện nhằm tăng cường đáp ứng nhu cầu tài chính của KH, phát triển các sản phẩm trọn gói, tài trợ theo chuỗi cung ứng để nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm thời gian, chi phí giao dịch cho cả KH và ngân hàng.
Ông Thọ khẳng định: Với VietinBank, tất cả nhu cầu vốn chính đáng và nhu cầu vốn cần thiết của DN và người dân cũng như nhu cầu vốn cần thiết trong xã hội, VietinBank chủ động và đáp ứng một cách kịp thời với chi phí vốn một các tối ưu đồng thời với việc thực hiện các chính sách giảm, miễn phí để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN và người dân cũng như các chủ thể trong nền kinh tế có thể tiếp cận thuận lợi với các hoạt động tín dụng, dịch vụ ngân hàng của VietinBank. Thông qua đó, hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam có điều kiện phục hồi sớm và lấy lại tốc độ tăng trưởng tốt trong thời gian tới đây.
Nhận định về mặt bằng lãi suất tín dụng hiện nay của các ngân hàng, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết: Hiện nay mặt bằng lãi suất tín dụng của các ngân hàng đặc biệt là lãi suất cho vay đối với nền kinh tế đang là mức rất hợp lý và có thể nói là ở mức rất thấp trong lịch sử từ trước đến nay. Điều này đến từ kết quả điều hành một cách chủ động linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô trong đó có chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, sự chủ động vào cuộc rất tích cực của các NHTM trong đó chủ lực chủ đạo là các NHTM Nhà nước. Điều đó tạo ra nguồn thanh khoản rất tốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
|
Bình luận (0)