Vietnam Airlines được cấp phép bay sang Mỹ: Bay thẳng có dễ?

05/09/2019 12:57 GMT+7

Với giấy phép vận chuyển vừa được Bộ GTVT Mỹ cấp, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam nhận được giấy phép này và đây là một trong những bước quan trọng để hãng mở đường bay sang Mỹ .

Đại diện Vietnam Airlines hôm nay, 5.9, cho biết Bộ Giao thông vận tải Mỹ đã cấp Giấy phép vận chuyển thương mại hành khách, hàng hóa, bưu phẩm giữa Việt Nam và Mỹ cho hãng. Đây là một trong nhiều điều kiện cần thiết để một hãng hàng không được phép bay đến Mỹ.
Cụ thể, Vietnam Airlines được phép thực hiện các chuyến bay giữa Hà Nội, TP.HCM tới một số điểm đến của Mỹ, có thể thông qua các điểm trung chuyển tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Osaka, Nagoya (Nhật Bản). Các điểm đến tại Mỹ sẽ gồm: Los Angeles, San Francisco (California); New York (New York), Seattle (Washington) và Dallas/Fort Worth (Texas).
Hãng này cũng có thể thực hiện các chuyến bay đi tiếp từ Mỹ đến các thành phố Vancouver, Montreal và Toronto của Canada.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng được cấp phép khai thác các đường bay từ điểm ngoài Việt Nam, qua Việt Nam và các điểm trung chuyển khác tới 25 điểm đến tại Mỹ dưới hình thức liên danh (codeshare). Đồng thời, giấy phép này cũng cho phép Vietnam Airlines được thực hiện các chuyến bay thuê chuyến (charter) giữa hai nước.
Tới thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp Giấy phép này. Đây là bước tiến quan trọng của hãng trong việc chuẩn bị cho kế hoạch bay đến Mỹ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ngoài Giấy phép đã được Bộ Giao thông vận tại Mỹ cấp, để chính thức bay sang Mỹ, Vietnam Airlines sẽ cần tiếp tục thực hiện thủ tục xin cấp phép tại các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ, gồm Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Tổ chức an ninh vận tải Mỹ (TSA), Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP), Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTBS) và một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác trước khi chính thức khai thác các chuyến bay đến Mỹ. 

Giá vé khó vượt 1.200 USD

Khó khăn lớn nhất khi mở đường bay sang Mỹ không phải mặt kỹ thuật, mà là mặt thương mại. Để bay sang Mỹ đảm bảo về yếu tố kinh tế, không quá lỗ, các hãng phải bù đắp từ một đường bay khác có lãi, hoặc từ nghiệp vụ như sales and leaseback (mua đi bán lại cho công ty cho thuê máy bay để hưởng chênh lệch).
Theo tính toán của Vietnam Airlines, nếu số chuyến bay 3 - 5 chuyến/tuần, hãng sẽ lỗ từ 30 - 50 triệu USD/năm (theo thời giá cách đây hơn 10 năm). Hãng sản xuất Boeing cũng cho biết, 90% các đường bay của các hãng hàng không châu Á sang bờ Tây nước Mỹ đều lỗ, và được bù đắp bởi đường bay từ bờ Đông. Trong khi đó, lượng khách hàng người gốc Việt chủ yếu sinh sống tại bờ Tây.
“Khả năng thâm nhập vào thị trường Mỹ sẽ mất 5 năm, trong khi đó, đầu tư cho quảng cáo, an ninh cực kỳ tốn kém. Bay sang Mỹ hiện giờ là đốt tiền”, chuyên gia hàng không cho hay.
Hiện giá vé bình quân từ Việt Nam sang Mỹ khoảng 800- 900 USD, ngay cả hãng hàng không 5 sao như Cathay, vé cũng chỉ xấp xỉ từ 1.100 - 1.200 USD. Để hút được khách, giá vé của các hãng Việt Nam sẽ phải xấp xỉ mức trung bình và thấp hơn 1.200 USD. Tuy nhiên, với mức giá này, theo đánh giá của các chuyên gia, sẽ không đủ bù lỗ.

Phải qua một chặng dừng kỹ thuật

Theo một chuyên gia về hàng không, về mặt kỹ thuật, để bay thẳng sang Mỹ cần các máy bay thân rộng, đủ lượng nhiên liệu để bay đường dài, như A380 hoặc B777x. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có hãng hàng không nào của Việt Nam đặt mua B777x.
Với A380, hạ tầng 23 sân bay trên cả nước gồm cả nhà ga, sân đỗ, đường băng, đường lăn đều chưa thể đáp ứng được loại máy bay này do tải trọng nặng. Máy bay A380 cũng yêu cầu đường cất cánh bề rộng 60 m, trong khi các đường cất cánh ở Việt Nam chỉ rộng 45 m, kể cả sân bay mới là Vân Đồn cũng không đáp ứng được yêu cầu này.
Với các dòng máy bay mà các hãng hàng không Việt Nam đang sở hữu như A350-100, B787-9, để bay sang Mỹ sẽ phải qua một điểm dừng kỹ thuật để tiếp nhiên liệu.
“Bay từ Việt Nam sang Mỹ thuận chiều, nhưng bay ngược lại từ Mỹ về Việt Nam tức từ Tây sang Đông sẽ bị ngược gió, tăng thêm 3 tiếng bay, nên buộc phải giảm bớt lượng khách mới đảm bảo vấn đề nhiên liệu”, chuyên gia này cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.