Vietnam Airlines lại đề nghị bỏ trần giá vé máy bay nội địa

10/12/2019 05:53 GMT+7

Theo ông Lê Hồng Hà, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, trần giá vé máy bay đang là một điểm trói buộc doanh nghiệp .

Tại Diễn đàn cao cấp du lịch lần thứ 2 vào sáng 9.12, ông Lê Hồng Hà, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA), cho biết trần giá vé máy bay đang là một điểm trói buộc doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đã có dấu hiệu mở cửa.
Điểm nghẽn trần giá cần được tháo gỡ để các hãng hàng không Việt Nam có thể thu lợi trong giai đoạn ngắn hạn, đặc biệt những giai đoạn cao điểm của thị trường nhằm đa dạng dải giá, tạo điều kiện cho khách hàng.
Liên quan đề xuất của VNA, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không, Bộ GTVT, cho rằng Việt Nam hiện là một trong số ít nơi có trần giá vé máy bay nội địa, bên cạnh Indonesia và Đài Loan. Trần giá vé được quy định từ năm 2006 với luật Hàng không dân dụng nhằm duy trì lợi ích cho nhiều tầng lớp nhân dân được sử dụng dịch vụ đi lại bằng máy bay.
Tới năm 2014 cơ quan chức năng đề xuất bỏ trần vé nhưng không được thông qua. Năm 2015, với tình trạng sụt giảm của giá dầu, Chính phủ đã điều chỉnh giảm giá trần vé. Trước đó, giữa năm 2018, các hãng hàng không đã đề nghị tăng giá trần vé máy bay nội địa do giá nhiên liệu lên cao.
Tuy nhiên, Cục Hàng không sau đó đã bác bỏ đề nghị này. Hiện, khung giá trần vé máy bay nội địa hiện vẫn áp dụng như quy định từ tháng 8.2015 với 5 khung giá, thấp nhất là 1,6 triệu đồng/vé với đường bay dưới 500 km và cao nhất là 3,75 triệu đồng/vé với đường bay từ 1.280 km trở lên.
Liên quan đến vấn đề nhân lực giám sát, ông Võ Huy Cường cho biết khi một hãng hàng không tăng thêm 10 chiếc máy bay thì quản lý nhà nước phải có thêm 2 giám sát bay. Nếu không đủ số lượng giám sát bay sẽ bị mất chứng nhận CAT 1 của Cục Hàng không Mỹ đã cấp.
Song theo quy định, cứ 2 người nghỉ hưu biên chế thì Cục Hàng không mới tăng được 1 người. Giám sát viên bay, giám sát an toàn bay phải là công chức, nhưng việc tinh giản biên chế vô tình lại gây ra những khó khăn cho công tác này của Cục.
Hiện nhà nước dành 30 tỉ đồng/năm dành cho công tác giám sát bay, nhưng không có công chức để thực hiện, vì vậy Cục Hàng không phải thuê nhân lực là phi công của các hãng. Đáng nói, mức lương phi công 300 triệu đồng/tháng, gấp nhiều lần lương công chức của cục. Nếu vài tháng tới không được bổ sung thêm 8 giám sát viên, các hãng bay có thể phải ngừng việc tăng máy bay và lượng máy bay phải giữ nguyên so với thời điểm hiện tại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.