“Lưỡng long”…hai ngả
Vào năm 2015, các thành viên thuộc Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) đã tách ra mở một triển lãm xe riêng, chấm dứt mối quan hệ “góp gạo thổi cơm chung” với Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) từ năm 2012. Lấy lý do chia tách để mang đến cho khách hàng hai miền những sân chơi ô tô lớn thực sự bởi khuôn viên triển lãm Giảng Võ, Hà Nội đã không còn đủ chỗ cho tất cả các thương hiệu xe tại Việt Nam, Vietnam International Motor Show 2015 (VIMS) chính thức được khai màn.
|
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa chủ yếu đến từ bối cảnh thị trường. Ở thời điểm đó, xe nhập khẩu bắt đầu bùng nổ tại Việt Nam dần trở thành đối trọng với xe lắp ráp trong nước. Đặc biệt là với lộ trình giảm, miễn thuế theo các năm, giới phân tích còn tin rằng xe nhập khẩu sẽ lấn át xe "nội" trong tương lai không xa. Ngay ở kỳ triển lãm đầu tiên, VIMS đã thu hút 9 thương hiệu xe nhập khẩu và tăng gần gấp đôi về “số” thương hiệu tham gia trong năm 2016 nhưng lại giảm gần 1 nửa vào năm 2017.
“Vắng mợ chợ vẫn đông” nhưng không… vui
Việc các nhà nhập khẩu ra “ở” riêng với VIMS cũng khiến Vietnam Motor Show (VMS) vắng vẻ hơn về quy mô. Các thương hiệu còn lại trong khối VAMA đã cố gắng trưng bày nhiều xe hơn, thêm mẫu xe mới nhưng với việc hầu hết các thương hiệu đều là xe lắp ráp bình dân ngoại trừ Mercedes-Benz hay Lexus “cắp nách” từ Toyota, VMS không có nhiều điểm nhấn về khoản thị giác. Dù không thể phủ nhận sức hút của các màn trình diễn nhưng yếu tố chính là xe thì vẫn chưa thực sự màu sắc.
|
Về phần VIMS, việc tập trung nhiều thương hiệu nhập khẩu hạng sang trong đó có cả siêu sang, siêu xe (năm 2016) đây thực sự là một sân chơi hấp dẫn với khách tham quan. Tuy nhiên, trong số các nhà nhập khẩu cũng có không ít các thương hiệu xe bình dân. Sức hút quá lớn từ các khu trưng bày xe sang, xe thể thao khiến những gian hàng còn lại khá buồn tẻ.
Trong khi đó, về thị trường xe nhập khẩu không thực sự bứt phá như kỳ vọng. Chưa kể số lượng thương hiệu tham gia triển lãm cứ rơi rụng dần theo năm, bao gồm cả VIMS lẫn VMS. Ngay cả mục tiêu ban đầu là mỗi triển lãm luân phiên tổ chức tại Hà Nội/TP.HCM một lần cũng không thể thực hiện kể từ năm 2017. Ngoài ra, đứng trước tình trạng nhiều nhà sản xuất chuyển sang nhập khẩu xe cũng khiến ranh giới giữa lắp ráp - nhập khẩu càng thêm nhạt nhòa.
“Lưỡng long nhất thể”
|
Những lý do kể trên buộc các thương hiệu ô tô tại Việt Nam phải ngồi lại tìm tiếng nói chung. Kết quả là, năm nay sẽ không còn triển lãm dành riêng cho xe nhập khẩu nữa, tất cả lại như cũ, khối nhập khẩu “góp gạo” với khối lắp ráp cùng “thổi cơm” chung: VMS 2018. Bản thân Chủ tịch VAMA, ông Toru Kinoshita cũng phải thừa nhận: “Sự kết hợp trở lại giữa các thương hiệu ô tô thuộc VAMA và VIVA với mục đích tạo ra một triển lãm ô tô toàn vẹn hơn, đa dạng hơn cho người tiêu dùng”.
Việc các thương hiệu xe lắp ráp lẫn nhập khẩu cùng có mặt chung trong một không gian hứa hẹn sẽ tạo lên bức tranh sinh động hơn cho thị trường xe Việt. Nhưng để nhìn nhận về một bức tranh toàn cảnh, chi tiết thì chưa. Bởi nó vẫn thiếu vắng khá nhiều thương hiệu xe bán tốt đến từ THACO, hay Hyundai. Ở phân khúc xe kén khách hơn cũng vắng bóng Aston-Martin, Bentley, Lamborghini hay Rolls-Royce.
Nhiều khả năng, trong những năm tới cả VAMA lẫn VIVA vẫn sẽ ca chung bài ca “một nhà”…
Bình luận (0)