Thông tin này được ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Giải pháp Miền Nam, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel nêu ra tại hội thảo nghiên cứu giải pháp phát triển kinh tế số do Sở TT-TT TP.HCM phối hợp Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức diễn ra sáng 26.4.
Về hạ tầng số, ông Tuấn cho rằng, TP.HCM phải là địa phương đi đầu trong công nghệ 5G và IoT (internet vạn vật). Dự kiến, Tập đoàn Viettel khai trương công nghệ 5G tại TP.HCM trong tháng 10 - 11.2024, tập trung ở những khu vực tiềm năng như khu công nghệ cao và các khu công nghiệp.
Hiện TP.HCM thu hút những tập đoàn công nghệ lớn đầu tư trung tâm dữ liệu. Ông Tuấn cho biết, năm 2025, Viettel sẽ đầu tư trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam tại Củ Chi, đồng thời khuyến nghị TP.HCM cần thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đặt trung tâm dữ liệu trên địa bàn để mang lại doanh thu lớn.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng cho hay, việc phát triển các trung tâm dữ liệu phải đặt trong tổng thể quy hoạch của TP.HCM. Đơn cử, như sau này, TP.HCM cần thêm 3 trung tâm dữ liệu nữa nhưng trong quy hoạch đô thị không bố trí diện tích thì không có cách nào phát triển được.
Hiện TP.HCM lập điều chỉnh quy hoạch nên ông Thắng đề nghị các doanh nghiệp, chuyên gia góp ý, đề xuất trong giai đoạn này khi bàn về hệ sinh thái kinh tế số và trung tâm dữ liệu.
TP.HCM tìm cách đo lường kinh tế số hằng quý
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, kinh tế số là lĩnh vực mới và khó, không chỉ đối với TP.HCM mà còn trên phạm vi cả nước. Trong thời gian qua, TP.HCM có nhiều hoạt động để thống nhất nhận thức về kinh tế số, và đến nay đang tập trung tìm giải pháp phát triển kinh tế số. Hiện Sở TT-TT là cơ quan thường trực của chương trình chuyển đổi số và kinh tế số.
Ông Thắng cho biết, Nghị quyết 31 năm 2022 của Bộ Chính trị đặt ra chỉ tiêu rất thách thức cho TP.HCM. Cụ thể, năm 2030 phải trở thành đầu tàu về kinh tế số và xã hội số, trong đó chỉ tiêu kinh tế số đóng góp 40% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Các chỉ tiêu từ nay đến năm 2030 của TP.HCM đều cao hơn bình quân cả nước từ 5 - 10%.
Năm 2024, TP.HCM đặt chỉ tiêu kinh tế số đóng góp 22% GRDP và tăng lên 25% vào năm 2025. Trong đó, tập trung thúc đẩy kinh tế số trong các ngành giáo dục, y tế, an sinh xã hội, du lịch và triển khai hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển 2 cụm Khu Công nghệ cao TP.HCM và Khu công viên phần mềm Quang Trung.
Ông Thắng cho biết, hiện có nhiều công cụ đo lường kinh tế số. Như năm 2022, Tổng cục Thống kê đánh giá kinh tế số của TP.HCM chiếm 13,5% GRDP và đứng thứ 7 cả nước, còn Bộ TT-TT cũng xếp hạng TP.HCM ở vị trí thứ 7 cả nước nhưng tỷ trọng đóng góp vào GRDP lên tới 18,8%.
Trao đổi tại hội thảo, lãnh đạo Sở TT-TT mong muốn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đề xuất giải pháp đo lường kinh tế số định kỳ hằng quý và 6 tháng. Hiện đo lường theo năm thì Tổng cục Thống kê và Bộ TT-TT đã thực hiện và công bố, nhưng đo lường định kỳ hằng quý hoặc 6 tháng thì chưa tỉnh thành nào làm và cũng chưa có công cụ nào làm được. "Nếu không đo lường được thì không điều chỉnh chính sách, không có giải pháp kịp thời", ông Thắng nhận định.
Phải có giải pháp thu thập dữ liệu tự động
TS Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện đô thị thông minh và quản lý, Trường Công nghệ và thiết kế, Đại học Kinh tế TP.HCM nêu một số kinh nghiệm quốc tế về cách tiếp cận đo lường kinh tế số của các tổ chức DESI (áp dụng các nước thuộc Liên minh châu Âu), OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) và ADB (khu vực châu Á).
TS Tú Anh cho rằng, trước khi đưa ra chiến lược tổng thể cần phải thống nhất phương pháp đo lường, hướng tới tiêu chuẩn chung của thế giới.
Liên quan đến dữ liệu đo lường, Phó cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Phước Tường cho biết, hiện các chỉ số, dữ liệu đang phân tán ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp nên nếu không tự động hóa thì sẽ rất khó thu thập. Ông Tường đề xuất cần có chính sách, công cụ tự động hóa thu thập báo cáo, dữ liệu của doanh nghiệp, cơ quan gửi về định kỳ để tổng hợp, phân tích.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM nêu thực tế vì nhiều lý do mà các doanh nghiệp thường không cung cấp số liệu, hoặc cung cấp số liệu ở mức độ vừa phải, dữ liệu thường có độ trễ. Ông Long cho rằng, cần thống nhất cách tính toán độ lan tỏa của sản phẩm công nghệ thông tin.
Đại diện Tập đoàn Viettel nhìn nhận, kinh tế số là lĩnh vực tổng hợp nhiều ngành nên cần có kế hoạch tổng thể xác định chỉ tiêu của từng lĩnh vực như sản xuất, giáo dục, y tế. Khi công bố kế hoạch rồi thì các ngành thấy được chỉ tiêu, cách tính để cùng thực hiện thì may ra mới đạt được chỉ tiêu.
Bình luận (0)