Vĩnh biệt 'di sản sống' của âm nhạc dân tộc Việt Nam

08/01/2021 06:23 GMT+7

Có thể nói trong các nghệ sĩ Việt Nam , không ai được đại thọ như nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (104 tuổi). Không chỉ có vậy, khi đã hơn 100 tuổi, ông vẫn hòa đàn với các môn sinh hoặc ngồi vào máy tính dạy đàn trực tuyến cho người nước ngoài...

Tôi nhớ cách đây 25 năm (1996), sau khi dẫn tôi đến thăm thầy giáo - nhạc sư Nguyễn Hữu Ba lúc đó đã ốm liệt giường, cô Phạm Thúy Hoan nói: “Cô còn một người thầy nữa. Vị thầy này dù tuổi đã cao nhưng vẫn rất tráng kiện, minh mẫn”. Rồi cô đưa tôi đến một căn nhà nằm trong con hẻm đường Bùi Hữu Nghĩa (gần chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là cốt cách “tiên phong đạo cốt” của ông: mái tóc dài bạc phơ, nụ cười đôn hậu, phong thái đĩnh đạc, khoan thai... Mới gặp lần đầu, tôi lại là kẻ hậu bối, vậy mà ông cho tôi ngồi kề bên để... đàm đạo. Với ngón đàn tranh lả lướt bậc thầy, ông “nhấn nhá” cho tôi nghe 3 bản Hòn vọng phu của Lê Thương. Thỉnh thoảng, ông ngưng đàn để nói chuyện về âm nhạc cổ truyền, về nhân tình thế thái, chuyện “tái ông mất ngựa”, luật nhân quả, trả - vay, được - mất ở đời... Người nghe không khỏi bị cuốn hút vào lối nói chuyện hóm hỉnh, rất có duyên của ông. Từ đó, tôi trở thành người thân của gia đình ông.

Ôm đàn đi giang hồ, học với 200 người thầy

Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 19.8.1918 tại làng Mỹ Trà, Q.Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc Đồng Tháp) trong một gia đình rất yêu thích đờn ca tài tử. 5 tuổi ông đã biết chơi đờn kìm, đờn cò; 10 tuổi biết chơi tất cả các loại nhạc cụ dân tộc (trừ sáo, tiêu...). Ông kể: “Tôi học đờn với thầy Hai Lòng (Vĩnh Long), Sáu Tý, Năm Nghĩa (Trà Ôn), nhưng tôi từng thụ giáo dễ đến... 200 ông thầy. Hễ nghe tiếng người nào có ngón đàn tuyệt hay thì dù ở tận nơi đâu trong cái xứ Nam bộ này tôi cũng tìm tới, trước là giao lưu, sau là “học lỏm”. Nhờ đó, tôi được đánh giá nổi trội hơn cả ở các ngón đờn tranh, đờn kìm, đờn gáo...”. Không chỉ ôm đờn đi giang hồ ở Nam bộ mà ông còn phiêu lưu tận xứ Chùa Tháp. Ở đó (Phnom Penh, Campuchia) vào năm 1937, trong một buổi kéo đàn cò phục vụ bà con Việt kiều, bất ngờ có một anh chàng đạp xích lô ngồi nghe một hồi rồi đến bên chiếc xích lô của mình, rút ra cây đàn cò cùng song tấu với ông. Đó là một kỷ niệm làm ông nhớ đời.
Năm 1935, ông sáng chế ra dây tỳ và dây xề trên cây đàn gáo. Năm 20 tuổi (1938), ông được Hãng đĩa BEKA mời đàn cho cô Ba Thiệt (chị của cô Năm Cần Thơ) ca. Năm 1955, ông cải tiến cây đàn tranh 16 dây thành đàn 17, 19 và 21 dây rất tiện lợi để có thể đờn các loại “hơi, điệu” mà không cần phải sửa dây, kéo nhạn. Cây đàn tranh này đã được chấp nhận, các tiệm đóng đàn cũng theo khuôn mẫu của ông. Từ đó, cây đàn tranh 16 dây không còn được sử dụng tại Việt Nam đến tận ngày nay.

Vang danh nhạc sư quốc tế

Năm 1955, Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn được thành lập và Nguyễn Vĩnh Bảo được mời dạy đàn tranh kiêm Trưởng ban Cổ nhạc miền Nam cho tới năm 1964. Nhờ khả năng ngoại ngữ (ông biết tiếng Anh, Pháp...), ông được mời đi diễn thuyết và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới: Singapore (1963), Nhật (1969), Pháp (1972)... Đặc biệt, Đại học Illinois (Mỹ) đã mời ông với tư cách “giáo sư biệt thỉnh” dạy đàn tranh trong những năm 1970 - 1972...

Chưa từng nghe ngón đàn tranh nào hay hơn ngón đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: phong phú, bay bướm, sâu sắc. Nếu ngày nào đó nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo mất đi, thế giới sẽ mất đi tiếng đàn liêu trai, phù thủy độc nhứt vô nhị…

GS-TS Trần Văn Khê phát biểu tại Hà Lan hơn 20 năm trước

Có thể nói, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là một trong những người tiên phong trong việc dạy đàn cho người nước ngoài qua phương pháp hàm thụ. Từ những năm 1960 - 2004, ông đã ghi âm tiếng đàn vào băng cassette gửi ra nước ngoài qua đường bưu điện. Sau này, những học trò của ông đã trang bị cho thầy dàn máy vi tính, máy phát nhạc mp3, máy in, máy scanner để ông chuyển sang dạy trực tuyến (online) cho học trò nước ngoài. Cho tới lúc 97 tuổi, nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn tiếp tục dạy đờn trên mạng internet cho một số người Việt hay ngoại quốc (Pháp, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Mỹ…).
Trong số học trò người nước ngoài của ông có nhạc sĩ nhạc đồng quê người Mỹ Stephen Steve Addis ở Michigan (học ông từ năm 1967) và 4 tiến sĩ âm nhạc do ông hướng dẫn luận án như: John Paul Trainor (năm 1977), Alexander Cannon (2007) - 2 người này đều là giảng viên âm nhạc của Đại học Michigan. Tất cả vẫn thường xuyên giữ liên lạc với ông cùng nhà âm nhạc học - GS Jean Christophe Maillard và GS Trần Quang Hải (đều ở Pháp) để trao đổi kiến thức âm nhạc. Cho nên, không kể các học trò trong nước, các môn sinh “quốc tế” của ông cũng rất nhiều và “đa quốc tịch”.

Tình bạn với giáo sư Trần Văn Khê

Năm 1972, GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã thực hiện cho Đài Ocora (Pháp) một đĩa nhạc Tài tử Nam bộ. Đĩa này khiến UNESCO chú ý và cơ quan này đã mời 2 người thực hiện thêm đĩa Collection UNESCO (Musical Sources, Hãng Philips của Hà Lan sản xuất) với Trần Văn Khê (đàn tỳ bà), Nguyễn Vĩnh Bảo (đàn tranh) hòa tấu các bản Bình bán, Kim tiền, Tây Thi, Cổ bản. Riêng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn độc tấu đàn tranh các bản Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung và Tứ đại oán. Phải chăng sự kiện này là những viên gạch để 42 năm sau, UNESCO công nhận đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?
Tiếng đàn tranh của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã in đậm trong trí nhớ của GS-TS Trần Văn Khê nên hơn 20 năm trước đây, ông Khê từng phát biểu tại Hà Lan: “Chưa từng nghe ngón đàn tranh nào hay hơn ngón đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: phong phú, bay bướm, sâu sắc. Nếu ngày nào đó nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo mất đi, thế giới sẽ mất đi tiếng đàn liêu trai, phù thủy độc nhứt vô nhị…”, và ông đã xưng tụng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là “đệ nhứt danh cầm”.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo từ trần lúc 18 giờ 50 ngày 7.1.2021 tại Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Lễ viếng bắt đầu từ 10 giờ ngày 8.1 tại CLB Hưu trí TP.Cao Lãnh (209 Nguyễn Thị Minh Khai, P.1, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp). Di quan lúc 10 giờ ngày 10.1, hỏa táng tại Nghĩa trang Quản Khánh, TP.Cao Lãnh.
Vậy mà GS Trần Văn Khê, thua ông 3 tuổi (sinh 1921), lại mất trước ông hơn 5 năm (2015). Ngày GS Khê mất, ông Nguyễn Vĩnh Bảo ôm cây đàn tranh đến bên quan tài của bạn, gảy lên những khúc đoạn trường, ai oán như Bá Nha khóc Tử Kỳ, khiến người nghe không ai cầm nổi nước mắt...
Cách đây khoảng hơn 5 năm, ông được Thủ tướng tặng Bằng khen “đã có thành tích bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ - Góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc” (tháng 10.2014), Giải thưởng Phan Chu Trinh (tháng 3.2015)... Người viết gọi điện thoại chúc mừng ông, ông bảo: “Qua điện thoại, chỉ nghe giọng là tui biết chú em liền. Mấy ngày nay, rất nhiều báo và đài xin phỏng vấn, tui từ chối hết. Nhưng với chú em là chỗ thân tình, cứ lại chơi...”. Ông đón tôi, tay bắt mặt mừng và đưa lên trên lầu. Nhìn một ông già bước thoăn thoắt lên các bậc cầu thang, tôi không tin nổi ông đã... 98 tuổi. Ông khoe chẳng những đi đứng vững vàng, tinh thần minh mẫn, tai còn thính lắm, tay chưa run... Rồi ông thủ thỉ: “Đã 40 năm nay tui sống ẩn dật với câu “ai biết ta chăng hỡi biết. Có biết cùng chăng, ta chỉ biết ta”. Bây giờ vào tuổi 98 này, lợi - danh chỉ là giấc mộng”.
Rồi khi thấy mình đã có thể “cưỡi hạc vân du”, ông âm thầm rời bỏ Sài Gòn hoa lệ về quê (Cao Lãnh) sống nốt quãng đời còn lại. Dù ông rất khiêm tốn nhưng chúng tôi xin trích nhận xét của một tờ báo nước ngoài về ông: “Nguyễn Vĩnh Bảo là một trong số những nhạc sĩ hiếm hoi còn lại của lối đàn ứng tấu, ứng tác... Ở Việt Nam chưa bao giờ có một nhạc sĩ truyền thống vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc, vừa là nhạc sĩ trình tấu, vừa là nhà nghiên cứu, vừa là nghệ nhân đóng đàn như vậy” (tạp chí The World of Music tháng 3 - 4.1977).
Xin vĩnh biệt ông - một “di sản sống” của âm nhạc cổ truyền nay đã rời xa...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.