Vĩnh biệt Nam Hùng người nghệ sĩ hiếu nghĩa tứ bề

22/10/2020 06:29 GMT+7

Nghệ sĩ ưu tú Nam Hùng vừa qua đời ở tuổi 83, để lại bao xót thương, kính trọng trong lòng khán giả và đồng nghiệp. Ông không chỉ là nghệ sĩ giỏi nghề mà còn là người con hiếu thảo, và là người trọng chữ nghĩa.

Từ cậu bé mồ côi thành nghệ sĩ lớn

Vĩnh biệt Nam Hùng người nghệ sĩ hiếu nghĩa tứ bề

Nghệ sĩ ưu tú Nam Hùng

Ảnh: Gia đình cung cấp

Nam Hùng có một “lý lịch vào nghề” rất kỳ lạ. Gia đình ông ở miền Bắc, cha ông gánh cà phê vô bán cho đoàn cải lương Năm Châu khi đoàn này ra Hà Nội biểu diễn. Anh em nghệ sĩ hay “mua chịu” thế là cha của Nam Hùng cứ lẽo đẽo vô đoàn, vừa bán vừa đòi nợ, riết thành công nhân của đoàn. Khi đoàn về Nam, cha ông cũng đi theo, ai ngờ chiến tranh bùng nổ, ông lạc luôn người vợ và bầy con ở quê, chỉ còn giữ lại cậu bé Nguyễn Xúy 4 - 5 tuổi dẫn theo bên cạnh. Nguyễn Xúy lớn lên trong gánh hát, ngày ngày nghe tiếng đờn ca, thấm vào máu thịt tự lúc nào không rõ. Vài năm sau, cha trở về Bắc tìm mẹ, và mất luôn ở đó, thì Nguyễn Xúy trở nên côi cút, được nghệ sĩ Phùng Há nhận làm con nuôi. Từ đó, cuộc đời cậu bé mở sang một trang mới.
Nghệ sĩ ưu tú Nam Hùng qua đời lúc 6 giờ ngày 21.10.2020. Tang lễ cử hành tại nhà số 28 đường số 3, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM. Lễ động quan ngày 24.10, an táng tại Nghĩa trang Hoa Viên Bình Dương.
Bà Phùng Há đổi tên cậu bé thành Nam Hùng, cho đi học tử tế. Nhưng tới trung học thì Nam Hùng bỏ ngang, nhất định theo nghề hát, vì quá mê những đêm sân khấu lộng lẫy ánh đèn. Má Bảy Phùng Há bèn cho Nam Hùng học nghề hát với các cô chú trong đoàn. Vóc dáng cao ráo, khuôn mặt sáng sủa, Nam Hùng trở thành một anh kép có tiếng của các đại bang như Minh Chí, Út Bạch Lan, Kim Chưởng, Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Lý Hương... và sau năm 1975 thì hát cho Sài Gòn 1, Đoàn 284. Chưa kể những băng cassette cải lương thu âm trước 1975 đều có mặt Nam Hùng nhiều không đếm được.

Vai diễn để đời

Hồi trẻ, Nam Hùng có vai Lữ Bố oai phong lẫm liệt đa tình trong vở Phụng Nghi Đình, nhưng khi lớn tuổi một chút ông lại đóng vai Đổng Trác bên cạnh vợ mình là Tô Kim Hồng vai Điêu Thuyền. Hai vợ chồng tung hứng thật ăn ý, một bên là Điêu Thuyền xinh đẹp, giỏi cầm ca, cố lẳng lơ đưa thái sư vào bẫy, một bên là Đổng Trác háo sắc, lụy tình, như trẻ con trước miếng mồi hồng nhan, vừa tội nghiệp vừa duyên vô cùng.
Đến Chu Phác Viên trong Lôi Vũ quả thật là một vai chính kịch tuyệt vời của Nam Hùng. Ông thể hiện một tài phiệt gian ác, bên ngoài thì bóc lột đàn áp công nhân, về nhà lại gia trưởng, đàn áp vợ con. Một vai diễn nặng ký mà Nam Hùng phải tập dợt rất công phu và đã để lại dấu ấn rất đẹp.
Nhưng có lẽ vai thầy Đề mới chính là ấn tượng không phai trong lòng khán giả, ở đó người ta bất ngờ phát hiện Nam Hùng có duyên diễn hài. Ông từng kể: “Nói thiệt, hồi vở Ngao Sò Ốc Hến giao cho tôi vai thầy Đề, tôi lo lắng dữ lắm. Trước giờ mình có diễn hài đâu, nay cả vở đều hài không lẽ mình không đi theo. Nhưng thôi, làm gan diễn luôn. Ai ngờ khán giả khen, tôi mới hú hồn”. Thầy Đề là một trong số bọn tham quan, háo sắc, vừa muốn ăn chặn tiền của dân, vừa muốn ve vãn Thị Hến, không ngờ bị Thị Hến chơi cho một vố. Cảnh thầy Đề xổ máu dê ngay tại công đường, Nam Hùng diễn rất hay, với giọng nói eo éo, cười he hé, và dù khúm núm trước quan huyện nhưng cũng tranh thủ được những phút giây để… hẹn hò với Hến. Cuối cùng, tới nhà Hến thì bị Hến dụ chui vào sọt, và vợ thầy Đề tới bắt ghen, một trận te tua tơi tả. Vai nào, Nam Hùng cũng diễn rất kỹ thuật nhưng vẫn chân thật, đã chinh phục khán giả khắp Sài Gòn, Nam bộ.

Hiếu nghĩa vẹn toàn

Điều ưu tư nhất về cuộc đời Nam Hùng là ông khó khăn quá. Khi cải lương xuống dốc, ông và vợ ít đi hát, phải mở quán phở mưu sinh. Cả hai ông bà đều biết nấu phở khá ngon, nhưng khổ nỗi tiền thuê mặt bằng cao quá nên cứ phải dời chỗ liên tục, tính ra gần chục lần. Thế nhưng, vợ chồng ông đều phụng dưỡng mẹ già đôi bên chu đáo. Một bà mẹ của Tô Kim Hồng, một bà mẹ của ông, vì ông đã lặn lội về Bắc tìm cho được mẹ, đưa về Nam sống chung trong nhà. Hai bà mẹ đều có dâu và rể hiếu thảo hết mực, dẫu nằm liệt giường nhiều năm, nhưng họ ra đi trong niềm hạnh phúc.
Vừa vất vả mưu sinh, vừa chăm sóc hai bà mẹ và gánh thêm công tác xã hội, Nam Hùng vẫn không than thở, còn bà Tô Kim Hồng thì nhất mực tòng phu, không bao giờ phản đối chồng hay cằn nhằn một tiếng. Họ âm thầm xoay xở, để ông có thể tham gia Ban Ái hữu, lo cho nghệ sĩ từng đồng phụ cấp hằng tháng, từng cái bảo hiểm y tế, từng đám tang nghĩa tình. Gần 20 năm “vác tù và hàng tổng”, Nam Hùng đã tận hiến sức mình cho sân khấu. Về già, ông bệnh rất nhiều, và một tay bà Tô Kim Hồng chăm chồng chu đáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.