Vĩnh biệt ‘người đặc biệt’ của bóng đá Việt Nam

07/05/2021 19:04 GMT+7

Tin ông Lê Thụy Hải qua đời thực sự là mất mát không nhỏ với những người yêu bóng đá nước nhà. Bởi ông là một trong những tượng đài với sự nghiệp lẫy lừng của mình từ khi còn là cầu thủ đến khi trở thành nhà cầm quân xuất sắc với cá tính gai góc, đốp chát không khoan nhượng, có thể ví như 'người đặc biệt' của bóng đá Việt Nam

Tên tuổi ông Lê Thụy Hải hay còn gọi là Hải ‘lơ’ được khán giả cả nước biết đến đầu tiên khi ông cùng đội Tổng cục Đường sắt vào Nam thi đấu mà đáng nhớ nhất chính là trận thắng Cảng Sài Gòn 2-0 trên sân Thống Nhất năm 1976. Một trong 2 bàn thắng khi đó do ông Hải ghi từ một siêu phẩm sút xa, bất chấp hệ thống phòng ngự của Cảng khi đó do cố HLV Phạm Huỳnh Tam Lang chỉ huy được xem là ‘kiên cố '. Từ trận đấu này và trận thua Hải quan 1-2 sau đó, ông Lê Thụy Hải cùng với các đồng đội như Mai Đức Chung, Phạm Kỳ Thụy, Nguyễn Văn Lộc, Hoàng Gia, Nguyễn Minh Điểm, Nguyễn Trường Sinh..trở nên quen thuộc với người hâm mộ. Sự nghiệp huy hoàng của ông Hải còn được đánh dấu qua chức vô địch quốc gia lần đầu năm 1980 dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Duy Long.

HLV Lê Thụy Hải – người giàu thành tích và giàu cá tính của bóng đá Việt Nam

Sau khi giã từ nghiệp quần đùi áo số, thời gian đầu ông Hải khá lận đận trong sự nghiệp HLV khi chưa xây dựng được tên tuổi, trôi nổi ở các đội hạng trung bình hoặc bóng đá nữ. Nhiều lần ông Hải được ông Lê Thế Thọ, nguyên phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) giới thiệu đi nhiều đội, nhưng khi đó có lẽ cơ duyên chưa đến nên ít thành công. Tôi còn nhớ năm 1999 khi báo Thanh Niên đang làm Vòng chung kết giải U.21 quốc gia ở Đà Nẵng, tình cờ gặp ông Hải vào dự khán, nghe ông tâm sự nhiều và biết ông luôn ấp ủ hy vọng dẫn dắt một đội bóng nào đó có tiềm lực và mong muốn phải làm ‘nổi đình nổi đám’ chứ không cam chịu lận đận hết đội hạng thấp này sang đội hạng thấp nọ mà chẳng đi đến đâu.
Thời điểm đó ông đã cho thấy tinh khí bộc trực, thẳng thắn và phát ngôn khá gai góc của mình.Ông còn tâm sự một câu mà tôi nhớ hoài: “Đời mình là cầu thủ đã để lại dấu giày ai cũng nhớ, vậy mà làm huấn luyện gần chục năm nay chẳng đi đến đâu. Phải nỗ lực làm một cái gì đó khi cầm quân để khi nằm xuống người ta còn nhớ đến Lê Thụy Hải..”. Tháng 11 năm 2019, đúng 20 năm gặp lại ông lần cuối ở Đà Nẵng nhân giải U.21 quốc tế, tôi nhắc lại câu nói này của ông và ông Hải phá lên cười: “Đúng là lúc đó vào xem U.21, tiếp xúc với nhiều lãnh đạo các đội bóng, được mọi người giới thiệu, dần dần mà tôi đã tìm cho mình chỗ đứng. 20 năm rồi nhìn lại sự nghiệp cũng được đấy chứ..”.

HLV Lê Thụy Hải và BHL đội Bình Dương vô địch quốc gia năm 2014

Khả Hòa

Phải nói là sự nghiệp HLV của ông từ những năm đầu 2000 đến khi ông nghỉ hưu là quá được chứ không phải được. Dù cá tính mạnh mẽ, gai góc, sẵn sàng bốp chát với lãnh đạo đội bóng, mắng mỏ cầu thủ, thậm chí bật lại thẳng thừng với cả báo chí khi bị đặt câu hỏi cảm thấy ‘sốc’, khiến ông nhiều lúc khó trụ lâu ở 1 đội bóng nào đó và phải đến rồi đi với rất nhiều đội, nhưng không ai phủ nhận chuyên môn của ông Hải quá giỏi. Ông đọc trận đấu nhanh, thay người hợp lý, sắp xếp các phương án chiến thuật đa dạng, điều chỉnh lối chơi khi nhanh lúc chậm và tính toán điểm rơi phong độ cho từng vị trí rất chỉn chu.. nên khi ông nắm đội nào từ Bình Dương cho đến Đà Nẵng, từ Thể Công đến Thanh Hóa hay Hải Phòng, đâu đâu ông cũng để lại dấu ấn đậm nét.
Ngay thời gian ông làm trợ lý cho ông Riedl tại SEA Games 2005 ở Philippines, ông cũng đã hiến kế, tư vấn cho ông thầy người Áo nhiều trong công tác huấn luyện. Chính ông Lê Thế Thọ, được coi là người thầy, người anh lớn của ông Hải cũng nhận xét “ Ở anh Hải rất chịu khó học hỏi, chịu đầu tư kiến thức, rất hay nghiền ngẫm các sơ đồ chiến thuật, tích lũy nhiều bài học mới mẻ của bóng đá thế giới, cộng với kinh nghiệm sẵn cỏ của 1 cầu thủ giỏi trên sân nên khi về làm các đội V-League, ông như cá gặp nước luôn để lại dấu ấn mà lớn nhất chính là 3 lần vô địch V-League với Bình Dương”.

HLV Lê Thụy Hải và HLV Lê Huỳnh Đức

Khả Hòa

HLV Phan Bá Hùng, một trong những người học nhiều cách cầm quân của ông Lê Thụy Hải phát biểu: ‘Trong cuộc sống, anh Hải như một người anh, một người bạn thân thiết. Khi còn cầu thủ nhờ rất thông minh, khôn ngoan và đầy sáng tạo, có nhãn quan chiến thuật tuyệt vời nên anh đã vận dụng rất hay, rất bài bản vào công tác huấn luyện với những nhận định rất sắc sảo mà khi anh truyền đạt hay thị phạm, cầu thủ ai cũng rất nể trọng. Anh Hải còn là một người HLV luôn luôn bảo vệ những luận điểm của mình, bảo vệ những quyền lợi cho đích thực cho VĐV, có những câu nói và trả lời trực diện đôi lúc hơi khó nghe nhưng rất đời thường..’
Tung hoành trên sân, nhưng về cuối đời ông lại phát hiện mình bị căn bệnh ung thư tụy khiến ông phải trải qua những tháng ngày sống trong đau đớn, đi lại khó khăn. Năm rồi khi báo Pháp Luật TP.HCM trao giải thành tựu trọn đời cho những cống hiến của ông trong buổi vinh danh 'fair play' thì ông Hải cũng không thể vào nhận được mà nhờ người bạn thân là cựu thủ môn Cảng Sài Gòn Lưu Kim Hoàng nhận thay. Thế rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Dù trải qua quá trình điều trị kéo dài, được các bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, ông Lê Thụy Hải cũng đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa 7.5 hưởng thọ 76 tuổi (ông sinh năm 1946).

Ông Lê Thụy Hải và tác giả

Khả Hòa

Vĩnh biệt ông, người đàn ông vô cùng đặc biệt của bóng đá Việt Nam, người mà rất nhiều những quan chức, các nhà quản lý bóng đá, lãnh đạo các đội bóng, HLV, trọng tài, cầu thủ, báo chí và kể cả người hâm mộ mỗi khi nhắc đến ông đều ít nhiều ‘dị ứng’ với cách phát ngôn rất sốc, cách phản ứng quyết liệt hay cách đốp chát một cách sẩn sùi, gai góc đầy khó chịu của ông. Nhưng hầu hết đều thừa nhận ông Lê Thụy Hải là người có chuyên môn giỏi, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển, xứng đáng là ‘người đặc biệt’ của bóng đá Việt Nam. Vĩnh biệt ông, ban thể thao báo Thanh Niên xin chia buồn cùng ông và gia đình.

HLV Lê Thụy Hải vô địch quốc gia năm 2014 cùng Bình Dương

Khả Hòa

HLV Lê Thụy Hải, người đàn ông đầy cá tính

Khả Hòa

Biệt danh Hải ‘lơ’ từ đâu?

Một cựu cầu thủ thi đấu cùng thời với ông Lê Thụy Hải cho biết hồi đó ông Hải luôn sở hữu cái tính khí rất xấu là la mắng các đồng đội trên sân nếu ai đó chuyền hỏng. Thậm chí, nhiều lần xảy ra đụng độ giữa các cầu thủ với nhau. Nhiều người rất dị ứng với cách ‘góp ý’ này của ông Hải và có phản ứng ra mặt nhưng mỗi khi vậy ông Hải ‘lơ’ đi không thèm đáp trả. Tuy nhiên đó không phải là cách để hình thành biệt danh này. Cái chính là hồi ấy, ông Hải được xem là cầu thủ "sát gái" số 1 Việt Nam, các đồng đội của ông chỉ biết tặc lưỡi thán phục về khả năng "lơ gái" (lơ nghĩa trong từ lơ xe) của ông Hải. Do vậy mà ông Hải được đồng đội đặt cho biệt danh là Hải "lơ". Cùng với tính khí bất cần của ông, thì chữ "lơ" lại được hiểu thêm 1 nghĩa nữa

Ông lê Thụy Hải và các đồng nghiệp, học trò dẫn dắt đội tuyển chọn U.21 quốc tế Hoàng Văn Phúc, Dương Hồng Sơn và Đinh Văn Dũng,

Khả Hòa

 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.