Vĩnh biệt người nhạc sĩ trẻ thơ

29/03/2020 06:42 GMT+7

Trong mắt của nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, nhạc sĩ Phong Nhã là “một tâm hồn ngây thơ, hồn nhiên toàn vẹn”.

Người nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam nay đã đi xa, để lại di sản âm nhạc quý giá cho hậu thế, cho thiếu niên, nhi đồng.

Ca khúc Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng và bài thơ của Bác

Trong lễ kỷ niệm sinh nhật Bác lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội sau khi đất nước giành được độc lập, ngày 19.5.1946, các cháu thiếu niên, nhi đồng thủ đô đã đến chúc mừng và hát tặng Bác ca khúc Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Bác đã rất xúc động, sau đó, Người viết bài thơ Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh như “đối lại” với bài hát của nhạc sĩ Phong Nhã.
Ông viết từ trong đáy lòng ra, không lên gân nhưng lại rất thuyết phục, nhẹ nhàng nhưng lại đi vào tâm hồn trẻ thơ
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
Sinh thời, nhạc sĩ Phong Nhã kể, ông viết ca khúc vào cuối năm 1945 khi đang là anh phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong. Cảm xúc đến với ông sau một buổi sinh hoạt Đội. “Phong Nhã đố các cháu thiếu nhi: Ai yêu Bác Hồ nhất?, các cháu đáp lại: Nhi đồng yêu Bác Hồ nhất. Trong lòng của Phong Nhã cũng đồng ý như thế”, nhạc sĩ chia sẻ lúc sinh thời. Khi ca khúc ra đời, thậm chí nhiều thập niên sau đó, nhiều thiếu niên, nhi đồng ở khắp mọi miền đất nước đã gửi thư tỏ lòng biết ơn nhạc sĩ đã nói hộ tình cảm dành cho vị Cha già dân tộc. Những bức thư này cùng với tài liệu cá nhân của nhạc sĩ Phong Nhã được giữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia.
Ca khúc Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng là một trong những sáng tác đầu tiên cho thiếu nhi sau Cách mạng tháng 8. Nhạc sĩ Phong Nhã cũng là một trong những nhạc sĩ đầu tiên viết ca khúc cho thiếu nhi hát trong giai đoạn này.
“Không mấy người trong chúng ta có cơ hội gặp gỡ nhạc sĩ Phong Nhã một lần, nhưng có một điều chắc chắn, những tác phẩm của ông đã quá quen thuộc với mỗi người Việt Nam. Khi hay tin ông mất, tôi tin nhiều người cũng như mình, thấy ký ức bỗng ùa về. Đó là những ngày hè tuổi thơ ngập tràn niềm vui, là những ngày sinh hoạt hè cả lũ trẻ con cùng khu hăng say luyện tập nghi thức Đội, là những buổi chào cờ ở thời thiếu niên nhi đồng sau Quốc ca luôn vang lên những giai điệu quen thuộc của Cùng nhau ta đi lên (Đội ca). Rồi cả những ca khúc nhắc đến ai cũng có thể hát được: Nhanh bước nhanh nhi đồng, Đi ta đi lên, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng... Phong Nhã là một nhạc sĩ đồng hành cùng tuổi thơ với giai đoạn đẹp nhất trong đoạn đường trong sáng nhất của mỗi chúng ta”, nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long bùi ngùi nói.

“Vua âm nhạc thiếu nhi”

Nhạc sĩ Phong Nhã được gọi là “vua âm nhạc thiếu nhi”. “Danh hiệu” này được nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đặt cho Phong Nhã khi gặp ông vào năm 1976. “Bản chất con người Phong Nhã là người hồn nhiên, ngây thơ nên ông hợp với giọng điệu của âm nhạc thiếu nhi. Suốt cuộc đời sáng tác, ông đều cống hiến cho mảng âm nhạc này. Sự cống hiến của ông hết sức độc đáo, bao trùm lên toàn bộ chặng đường phát triển của âm nhạc cách mạng cho đến ngày hôm nay”, nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nhìn nhận.
Với nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, sáng tác của Phong Nhã gần gũi, tươi vui. “Ông sử dụng tiết tấu thiên về nhịp đi, ca từ súc tích, nội dung và thông điệp rõ ràng, tạo nên giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc”, ông nói.
Nhà nghiên cứu âm nhạc này còn cho rằng, nhạc sĩ Phong Nhã đã “hóa giải” được những cái “khó” trong sáng tác mảng đề tài thiếu nhi, Đoàn, Đội và lãnh tụ. “Mảng đề tài này không dễ sáng tạo, bởi nếu không khéo sẽ thành đậm chất tuyên truyền, nhưng nếu chỉ đơn thuần thực hiện thông điệp thì sẽ không đạt hiệu quả. Cho nên, để sáng tác đến được đông đảo mọi người và có đời sống riêng sau khi ra đời đòi hỏi người nhạc sĩ không chỉ có sự hiểu biết về chuyên môn âm nhạc, sự thấm nhuần những nội dung đề tài cần truyền tải, mà còn phải sáng tác bằng tình cảm, bằng trái tim, bằng cuộc sống của chính người nhạc sĩ đó. Và nhạc sĩ Phong Nhã đã làm được”, ông Long nói.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, cách sáng tác của nhạc sĩ Phong Nhã là “không có kỹ thuật gì”. Ca khúc được viết từ chính “tâm hồn ngây thơ, hồn nhiên toàn vẹn” của ông. “Ông viết từ trong đáy lòng ra, không lên gân nhưng lại rất thuyết phục, nhẹ nhàng nhưng lại đi vào tâm hồn trẻ thơ. Và cũng chính vì thế, không chỉ thiếu nhi, mà cả nhiều người khi lớn lên rồi cũng không quên được ca khúc của Phong Nhã”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói.
Nhạc sĩ Phong Nhã (tên thật Nguyễn Văn Tường), sinh ngày 24.4.1923, tại H.Duy Tiên, Hà Nam. Ông mất vào 4 giờ 8 phút ngày 28.3 tại nhà riêng ở Hà Nội, ở tuổi 96.
Nhạc sĩ Phong Nhã bắt đầu sáng tác khi tham gia phong trào hướng đạo sinh vào những năm 1940. Lúc đầu, ông chỉ viết lời trên những bài nhạc có sẵn, sau đó ông tự sáng tác bài hát cho thành viên trong các đội. Rồi ông tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu, Đội Thiếu nhi Cứu quốc Nguyễn Thái Học... Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, ông được phân công làm cán bộ phụ trách thiếu nhi. Vừa phụ trách thiếu nhi, ông vừa sáng tác nhạc.
Ông sáng tác khoảng 250 ca khúc dành cho thiếu nhi, ca khúc đầu tiên là Nhanh bước nhanh nhi đồng (được viết vào năm 1944), tiếp đó là ca khúc Kim Đồng, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Ông cũng là người rất quan tâm đến việc khuyến khích sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi. Ở cương vị Tổng biên tập đầu tiên của Báo Thiếu niên tiền phong (tờ báo ra đời vào năm 1954), ông đã phát động phong trào để các nhạc sĩ ở khắp nơi tham gia sáng tác mảng ca khúc này. Sinh thời, ông còn là một người sống rất yêu đời và hay làm thơ.
Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật. Nhạc sĩ cũng được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Vì sự nghiệp giáo dục.
Lễ viếng nhạc sĩ Phong Nhã được tổ chức vào 7 giờ 15 - 9 giờ ngày 31.3, tại Nhà tang lễ Thanh Nhàn (Hà Nội), an táng tại nghĩa trang quê nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.