Những năm 80. 90 của thế kỷ trước, làng bóng đá nổi lên những nhà quản lý tài ba nhưng cũng đầy cá tính, đáng kể như ông Lê Thế Thọ, ông Trần Bảy và ông Ngô Tử Hà. Tôi có may mắn khi còn là phóng viên trẻ đi đây đi đó, đều được quen và biết cả 3 ông, cũng ít nhiều có thời gian tâm sự nhiều điều về bóng đá Việt Nam. Nếu ông Lê Thế Thọ nổi tiếng sau sự cố ở giải vô địch đội mạnh toàn quốc tại sân Chi Lăng năm 1991, ông Trần Bảy là từ vụ hậu Weigang sau Tiger Cup năm 1996 thì ông Ngô Từ Hà cũng có rất nhiều câu chuyện mà đến giờ vẫn đọng lại trong tâm trí tôi.
Tôi quen ông Ngô Tử Hà cuối những năm 80 khi ông đang là người phụ trách môn bóng đá Tổng cục TDTT và vào TP.HCM làm giám sát các trận đấu. Khi đó ông Hà có căn hộ ở đường Đồng Khởi và hay rủ tôi đến uống cà phê. Ông là người to cao, đẹp trai, giọng nói hào sảng nhưng trước khi phát ngôn ra điều gì ông Hà cũng nhìn người đối diện rất lâu mới trò chuyện, từ thăm dò sau đó dần dần mới bộc lộ hết. Có vẻ như sự dè dặt của ông Hà đã có từ lần đầu khi gặp nhau đó với bất cứ người nào khiến với tôi sau này thì dù ông rất cởi mở (có thể do tin tưởng về thông tin sẽ cung cấp), nhưng với một số người khác ông luôn đề phòng. Thế nên sau này mới có câu chuyện ông hay ghi âm lại những chuyện bên trong ngôi nhà của Liên đoàn bóng đá Việt Nam để ‘thủ’ cho chính mình. Điều đó chỉ để nói lên sự thận trọng của ông Hà với các ‘đối thủ’ trong bối cảnh bóng đá Việt Nam thời đó tranh tối tranh sáng do đấu đá quyền lực.
|
Khi Báo Thanh Niên đứng ra tổ chức giải bóng đá U.22 lần đầu tiên ở Hà Nội năm 1997 (sau này là giải U.21) thì chính ông Ngô Tử Hà trên cương vị là trợ lý Bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao Hà Quang Dự và sau này là Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) là người hợp tác với chúng tôi nhiều nhất, tư vấn điều hành về chuyên môn, lăn lộn với các giải đấu trên mọi miền đất nước suốt 5-6 năm trời trước khi bàn giao công việc lại cho những người đồng sự trẻ khác. Trong thời gian làm việc cùng nhau, ông Hà vẫn giữ tác phong cũ, nghe nhiều hơn nói và luôn tỏ rõ dũng khí khi quyết định bất cứ điều gì.
Dũng khí đó của ông từng thể hiện khi ông làm Trưởng Ban tổ chức các giải vô địch quốc gia những năm 1998-2001 khi nghiêm khắc xử lý kỷ luật hàng loạt cầu thủ, trọng tài, giám sát và đặc biệt là các đội bóng, điển hình là vụ trừ điểm 2 đội ngành Công an. Chính thái độ kiên quyết nói không với tiêu cực và xử lý rốt ráo các vụ việc trong thi đấu thời đó của ông Hà làm ông dù được anh em báo chí gọi là “Ngô công” nhưng cũng là cái gai trong mắt không ít người, có lúc ông còn bị đe dọa tính mạng. Một số phần tử đã từng bắn tin hăm he và còn mang mìn đến nhà ông ở số 9 Hàng Chuối, thậm chí có một số khán giả hâm mộ đội bóng ở một địa phương nọ lại nói: “Nếu Ngô Tử Hà xuống đây sẽ xin tí tiết”. Có lần ông tâm sự trong một thời gian dài, khi đi xe máy, ông luôn phải đề phòng những hành động quá khích của những kẻ xấu nên thường mang theo một cái roi điện và bình xịt để tự vệ.
Trong ngôi nhà của VFF thời những năm đó luôn rúng động bởi sự tị nạnh, kèn cựa nhau giữa các quan chức đứng đầu. Ông Hà có lần còn tâm sự ở VFF, ông cũng hay bị chơi xỏ, “bắn lén”… và trong các cuộc họp của Ban chấp hành hay ban kiểm tra của tổ chức xã hội này, chuyện góp ý xây dựng thì ít mà chỉ trích băm bổ với nhau thì nhiều đôi khi biến VFF thành… cái chợ bóng đá. Chính vì lẽ đó mà sau này khi về hưu ông đã viết hồi ký “ Trái bóng lăn giữa đời tôi” dành phần lớn trang để miêu tả lại những hoạt động của ông ở VFF cũng như những cuộc đấu đá, thanh trừng nhau khiến một thời gian dài nhiều câu chuyện dở khóc dở cười của VFF luôn bị bêu xấu ra trước dư luận và góp phần kềm hãm sự phát triển.
|
Chẳng hạn như những dòng tâm sự rất thật được ông miêu tả trong một kỳ bầu Ban Chấp hành VFF mà người tài thì đứng ngoài còn người phe phái lại tham gia bộ máy cùng nước mắt của ông Bộ trưởng khi bất lực trước bộ máy bị tác động bởi những thứ quyền lực riêng mà bóng đá không là bóng đá…Chính nhà văn Chu Lai, một người bạn của ông Hà khi viết lời mở đầu cho cuốn sách này đã nhấn mạnh " Không tránh né là một hành vi dũng cảm, dám chịu trách nhiệm lại còn dũng cảm hơn. Tâm thế người viết giống như tâm thế cầu thủ vào trận, chỉ có tiến, không có lùi. Và dám ngẩng cao đầu chấp nhận những va chạm...Cuốn sách được viết ra một cách nhọc nhằn và can đảm…Trên tọa độ đó, người đọc mong rằng và tin rằng nếu có một ai đó, một thế lực nào đó dẫu có bị đụng chạm có bị nhắc đến thì… âu cũng là một khuyết tật một thời, một hạn chế tất yếu trên những chặng đường đi… Bởi bóng đá không chỉ là bóng đá. Xin cảm ơn tác giả của Trái bóng lăn giữa đời tôi”
Sau khi về hưu và không còn tham gia vào bộ máy lãnh đạo VFF năm 2005, ông Hà về sống với gia đình, đi thăm con gái học ở New Zealand và vui thú điền viên trong cuộc sống riêng. Thi thoảng ông cũng hay gọi cho tôi và một vài anh em báo chí khác để trao đổi về thực trạng bóng đá Việt Nam, hiến kế về một số định hướng và giải pháp giúp bóng đá có sự cải tổ. Chính ông trong Hội nghị sơ kết thực hiện chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì từng thẳng thắn phát biểu rằng bộ máy hiện tại rất thiếu những người có chuyên môn và thiếu chất xám để phát triển tốt bóng đá nước nhà…
|
Cách đây vài tuần còn thấy ông đưa hình ông uống cà phê với vài chiến hữu, hình khiêu vũ với hội những người yêu thích dancing lên facebook và cũng mới cách đây vài ngày là sinh nhật ông. Tất cả cho thấy sự an nhiên, tự tại và cuộc sống vui vẻ, thoải mái ở tuổi 75 của ông. Thậm chí ông còn gọi điện nhắc “U.21 năm nay tròn 25 tuổi chú báo với sếp Công Khế đừng quên anh nhé, cho anh một suất vào dự khán vòng chung kết nhé. Anh đã đồng hành cùng báo Thanh Niên từ đầu với giải đấu này và đến giờ anh đánh giá đây là giải trẻ tổ chức hay nhất, bài bản nhất và có những con người tâm huyết nhất với bóng đá nước nhà".
Vậy mà sáng nay nghe tin ông ra đi vì bệnh gan, tôi đau đớn như không tin vào tai mình nữa. Một người khỏe khoắn, có sức làm việc tốt như ông, luôn còn nhiều trăn trở cho bóng đá nước nhà lại bất ngờ gục xuống. Chỉ một ước mơ còn lại được dự vòng chung kết U.21, được nhìn thấy sự lớn mạnh của giải đấu mà ông chờ đợi đã không còn nữa. Vĩnh biệt ông, một người quản lý bóng đá tận tụy, một người anh, người bạn thân thiết với giải U.21 và cá nhân tôi. Anh Hà ra đi thanh thản anh nhé!
|
Ông Ngô Tử Hà sinh năm 1947, đã qua đời tại nhà riêng hồi 19 giờ 18 phút tối 9/8, hưởng thọ 75 tuổi. Ông Ngô Tử Hà từng là Phó chủ tịch VFF nhiệm kỳ 3 (1997-2001). Ông cũng từng đảm nhiệm vị trí Trưởng BTC giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League) nhiều năm.Quyển sách tự truyện “Trái bóng lăn giữa đời tôi” của ông từng gây sốc khi lột tả nhiều câu chuyện thâm cung bí sử của làng bóng Việt.
|
Bình luận (0)