Cuộc sưu tầm sử thi Tây Nguyên vĩ đại
GS-TS Ngô Đức Thịnh đã gửi vào dự án “Điều tra, sưu tầm, biên dịch, xuất bản và bảo quản sử thi Tây nguyên” rất nhiều kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu, kiến thức khoa học và bảo tồn của mình.
Ngoài đoàn điều tra của Viện Văn hóa dân gian nơi ông làm viện trưởng, ông còn mở lớp đào tạo điều tra sưu tầm cho 12 học viên là người bản địa thuộc dân tộc Ê đê, M’nông, Bana, Xơ đăng. Lúc sinh thời, GS-TS Ngô Đức Thịnh từng chia sẻ sau 4 năm triển khai dự án, các học viên trong lớp đều biết diễn xướng sử thi, trong đó 50% diễn xướng không cần văn bản và có 2 học viên M’nông không chỉ diễn xướng mà còn tham gia phiên âm và biên dịch sử thi.
GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, cũng nhắc tới dự án này ngay khi nghe tin GS-TS Ngô Đức Thịnh qua đời. “Sử thi thì nhiều nơi có, nhưng sưu tập lại cũng không nhiều. Thế mà nhóm của GS Ngô Đức Thịnh đã sưu tầm được một khối lượng rất lớn sử thi Tây nguyên, theo công bố là 801 sử thi, trong đó có cả những chuỗi sử thi. Như thế là vĩ đại lắm!”, ông Thanh nói.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cũng nhìn nhận: “Việc kiểm kê, ghi âm, gỡ băng, biên tập, xuất bản sử thi Tây nguyên là một đột phá trong giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể. Cho tới nay, không có một nghiên cứu sử thi nào lớn, có giá trị bảo tồn đến như thế. Vì những nghệ nhân hát sử thi đó dần dần già rồi mất đi, nhưng di sản đã được ghi lại, đã được đưa lại vào cộng đồng”.
Đạo Mẫu và kiêng kỵ mê tín dị đoan
PGS-TS Nguyễn Văn Huy cũng nhắc tới tinh thần khoa học của GS-TS Ngô Đức Thịnh khi chọn và nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu. “GS Thịnh nghiên cứu đạo Mẫu trong bối cảnh có rất nhiều kỳ thị trong nhận thức xã hội về tôn giáo tín ngưỡng. Lúc đó, xã hội chưa cho phép nghiên cứu và công bố đề tài như vậy”, ông Huy nhớ lại.
Ông Huy còn nhớ khoảng cuối những năm 1980, ông Thịnh đã công bố sưu tầm những bài hát trong diễn xướng của đạo Mẫu. “Lúc đó hát văn thường chỉ dùng làn điệu rồi phổ lời mới, còn anh Thịnh nghiên cứu trực tiếp lời hát, bài hát với nội dung thờ cúng. Đó là những công bố đầu tiên để hình thành nên hệ thống lý luận về đạo Mẫu. Một việc dũng cảm và tiên phong trong nhận thức mới về tín ngưỡng đó, để nhận ra đúng giá trị của nó. Sau này, anh ấy chứng minh đó là một trong những di sản văn hóa bản địa của Việt Nam”, ông Huy nói. GS Tô Ngọc Thanh cũng đánh giá: “Có một thời, chúng ta hiểu chưa đúng về văn hóa tâm linh, ông Thịnh là một trong những ngọn cờ để phá thành kiến đó đi. Người ta cũng hiểu đúng hơn về văn hóa tâm linh và đạo Mẫu”.
PGS-TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, nhìn nhận GS-TS Ngô Đức Thịnh là một nhà nghiên cứu văn hóa có tầm vóc, trên nền tảng của một nhà dân tộc học. Ông Thịnh được coi là thuộc thế hệ thứ ba, nếu tính từ người khai mở ngành dân tộc học - GS Nguyễn Văn Huyên. Cũng theo ông Tình, kết quả nghiên cứu về luật tục, sử thi và tín ngưỡng dân gian thể hiện rõ nhất sự thâm sâu, sắc bén của GS Thịnh, kể cả tổ chức nghiên cứu và học thuật. “GS-TS Ngô Đức Thịnh còn được xem là một trong những người có tầm ảnh hưởng trong vận dụng và xây dựng lý thuyết nghiên cứu, thể hiện qua các công trình văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam, hệ giá trị văn hóa Việt Nam”, ông Tình nhận xét.
GS-TS Ngô Đức Thịnh sinh năm 1944, tại Nam Định. Ông tốt nghiệp khóa đầu Dân tộc học, Khoa Lịch sử của ĐH Tổng hợp Hà Nội 1963 - 1967 (nay là ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội). Sau đó, ông về làm việc tại Viện Dân tộc học Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).
Sau khi làm nghiên cứu sinh tại Nga 1972 - 1976, ông về làm ở Viện Đông Nam Á, rồi sang Viện Văn hóa dân gian (nay là Viện Văn hóa Việt Nam). Từ năm 1994 - 2008, ông là Viện trưởng Viện Văn hóa Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian. Từ năm 2008 đến nay, ông là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Ông còn là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và Phó chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á. Ông được phong giáo sư vào năm 2002, nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.
Một số sách của ông đã được xuất bản: Đạo Mẫu ở Việt Nam, Luật tục Ê đê; Nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam (2 tập); Sắc thái văn hóa địa phương và tộc người trong chiến lược phát triển đất nước; Sử thi Tây nguyên; Văn hóa nghệ thuật Nam bộ...
|
GS-TS Ngô Đức Thịnh từ trần vào ngày 6.6 sau một thời gian dài bị bệnh nặng, hưởng thọ 77 tuổi. Tang lễ của GS-TS Ngô Đức Thịnh được cử hành tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) từ 9 giờ 30 - 10 giờ 45 ngày 8.6 (tức ngày 17.4 âm lịch).
Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ. Sau đó, di cốt an táng tại lăng họ Ngô, nghĩa trang Hải Phúc, Hải Hậu, Nam Định cùng ngày.
|
Bình luận (0)