Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty Yến sào Khánh Hòa cùng các cộng sự đã được trao giải Nhất - Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2015 cho đề tài “Nghiên cứu quy trình kỹ thuật nuôi chim yến và xây dựng nhà yến phù hợp với từng vùng miền, địa phương phục vụ phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam”. Công trình này cũng được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao Giải thưởng WIPO ngay trong buổi vinh danh nói trên. Để nhận được giải thưởng “kép” cho công trình nghiên cứu mang nhiều ý nghĩa này, ông Lê Hữu Hoàng cùng các cộng sự của Công ty Yến sào Khánh Hòa đã trải qua một thời gian khá dài vượt qua khó khăn ngoài thực địa lẫn trong phòng thí nghiệm để cho ra đời một sản phẩm khá đặc biệt chung quanh câu chuyện nuôi yến. Không mang tính hàn lâm, công trình nghiên cứu này được áp dụng vào thực tế cuộc sống và mang lại hiệu quả cho người thực hiện nó. Vì vậy, đây là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những gì mà công trình nghiên cứu mang lại. Các tác giả của công trình lại là những nhà khoa học ở ngay trong Công ty Yến sào Khánh Hòa, tâm huyết làm nhiệm vụ nghiên cứu hàng chục năm trời với loài chim yến, vì vậy, giải thưởng càng mang nhiều ý nghĩa hơn.
Người lãnh đạo say mê khoa học
Để tạo dựng được thương hiệu Yến sào Khánh Hòa như hôm nay, ngoài sự nỗ lực hết mình của trên 5.500 công nhân viên chức và lao động của công ty còn phải kể đến sự năng động của ban lãnh đạo mà vị thủ lĩnh Lê Hữu Hoàng được xem như một đầu tàu luôn tìm tòi, sáng tạo để đưa cả đoàn tàu luôn đi đúng hướng. Lê Hữu Hoàng là nhà quản lý giỏi thì ai cũng phải thừa nhận khi nhìn vào “cơ đồ” của công ty do ông lãnh đạo, song ông còn là người say mê nghiên cứu khoa học. Ông nghiên cứu những đề tài có thể áp dụng ngay vào cuộc sống được xuất phát từ thực tế công việc hằng ngày chứ không phải ở đâu xa. Ví dụ như làm sao để dẫn dụ đàn yến từ hang này sang hang khác cách xa hàng chục hải lý chẳng hạn. Đây là công việc không hề đơn giản vì để “phủ dụ” loài chim quý này ra khỏi lãnh địa được chúng chọn lựa tự nhiên đòi hỏi những nhà nghiên cứu phải tìm hiểu kỹ đặc thù của chim yến để đưa ra kết luận cuối cùng rồi áp dụng vào thực tế. Hay như làm sao để xây dựng các nhà yến trong đất liền phù hợp với từng vùng, ai cũng có thể áp dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả là cả một nghệ thuật. Lấy trứng yến để ấp nở tự nhiên, chăm sóc yến non đến khi trưởng thành… Tất cả những đề tài ấy, ông Lê Hữu Hoàng trực tiếp tham gia và “lên kế hoạch” cho các cộng sự thực hiện.
Để có được những đề tài tưởng chừng khó bề thực hiện ấy, ông Lê Hữu Hoàng thành lập hẳn một trung tâm nghiên cứu trực thuộc công ty. Đây là nơi tụ hội của những bộ óc vừa thông thái vừa thực tế. Họ là những kỹ sư được đào tạo bài bản cả trong nước lẫn nước ngoài được ông chiêu mộ về với Công ty Yến sào. Là một nhà quản lý nhưng ông luôn “miệng nói tay làm”, luôn nêu tấm gương cho các cộng sự trong việc say mê nghiên cứu các đề tài để ứng dụng vào thực tiễn. Hơn 10 năm qua, hàng loạt đề tài liên quan đến chim yến đã được “xuất xưởng” từ trung tâm nghiên cứu này mà ông là thủ lĩnh. Nói thạc sĩ Lê Hữu Hoàng là người “hai trong một” cũng vì lẽ đó.
Vinh danh vì sự phát triển nghề yến Việt Nam
Đề tài “Nghiên cứu quy trình kỹ thuật nuôi chim yến và xây dựng nhà yến phù hợp với từng vùng miền, địa phương phục vụ phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam” đã được vinh danh trong buổi lễ hôm 16.5 tại Hà Nội là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể nhà khoa học của Công ty Yến sào Khánh Hòa suốt nhiều năm qua.
Mọi người đều biết, yến là loài chim trời. Sản phẩm từ tổ yến đã mang lại nguồn bổ dưỡng quý báu cho con người hàng ngàn năm nay. Các nhà khoa học của Công ty Yến sào Khánh Hòa, một mặt họ kế thừa truyền thống khai thác tổ yến của tiền nhân, mặt khác họ đã nâng cấp lên thành một nghề mang tính hiện đại hơn. Nghĩa là họ thực hiện phát huy lợi thế tự nhiên để nhân đàn phát triển. Sở dĩ đề tài này đã chiếm giải Nhất vì đây là lĩnh vực nghiên cứu mới mang tính thực tiễn và sáng tạo cao, kết quả của đề tài nghiên cứu là cơ sở khoa học cho sự phát triển nghề nuôi chim yến ở các địa phương trên toàn quốc phát triển theo định hướng bền vững.
Từ năm 2004 trở lại đây, ở nước ta, chim yến đã vào sinh sống làm tổ trong nhà ở hầu hết các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau, Phú Quốc - Kiên Giang và các tỉnh phía tây như Bình Phước, Đắk Lắk. Phát hiện ra điều này, nhiều nơi đã xây nhà để dụ yến vào làm tổ, trở thành một phong trào nuôi yến rộng khắp trong cả nước. Thực tế đã cho thấy, nghề nuôi yến trong hơn 10 năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, không ít gia đình chỉ làm theo phong trào mà xem nhẹ yếu tố kỹ thuật. Họ chưa nắm bắt đúng kỹ thuật xây dựng nhà yến, quy trình nuôi chim yến, phương pháp vận hành nhà yến, thu hoạch tổ yến hiệu quả, bảo vệ quần đàn chim yến. Công trình “Nghiên cứu quy trình kỹ thuật nuôi chim yến và xây dựng nhà yến phù hợp với từng vùng miền, địa phương phục vụ phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam” của Công ty Yến sào Khánh Hòa đã hỗ trợ cho các hộ nuôi chim yến, vận dụng hiệu quả tại Việt Nam. Công trình nghiên cứu lập tức được người nuôi yến hưởng ứng và áp dụng vào thực tế. Những con số sau đây nói lên tính khả thi của công trình: Doanh thu từ tư vấn chuyển giao công nghệ nuôi chim yến như sau: Nếu như năm 2013 chỉ 8,5 tỉ đồng thì đến năm 2015 đã trên 20 tỉ đồng. Đối với các hộ dân nhận chuyển giao công nghệ nuôi chim yến từ công ty đến nay trung bình mỗi nhà yến doanh thu trên 150 triệu đồng/năm. Kết quả của công trình đã chuyển giao công nghệ nuôi chim yến cho 500 ngôi nhà yến và doanh thu thu hoạch nhà yến toàn quốc đạt trên 70 tỉ đồng/năm.
Với những nỗ lực và thành tích đó, công trình nghiên cứu ấy được vinh danh ở vị trí cao nhất là phần thưởng rất xứng đáng cho thạc sĩ Lê Hữu Hoàng và các cộng sự của Công ty Yến sào Khánh Hòa. Giải thưởng có ý nghĩa rất quan trọng đối với công ty trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành nghề yến sào ngày càng bền vững.
Bình luận (0)