Vinh danh trí thức khoa học công nghệ 2022: trẻ nhất 41 tuổi, già nhất 93 tuổi

20/05/2022 21:41 GMT+7

Ngày 21.5 sẽ diễn ra lễ tôn vinh 106 trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu 2022. Người lớn tuổi nhất được vinh danh đợt này là một trí thức 93 tuổi, người trẻ nhất 41 tuổi và là một nữ giáo sư.

Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) vừa họp báo giới thiệu về lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022, sẽ đưwoowjc tổ chức vào ngày mai 21.5. Đây là hoạt động được tổ chức 2 - 3 năm một lần kể từ năm 2015.

Ông Phạm Hữu Duệ, Trưởng ban Tổ chức và Chính sách của VUSTA, trả lời các nhà báo về trường hợp GS Nguyễn Khánh Diệu Hồng

ĐOÀn nhật quang

Những người được lựa chọn tôn vinh là trí thức hoạt động trong các viện, trung tâm, cơ sở nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp hoặc các cơ quan của các ngành, lĩnh vực, địa phương hoặc trong hệ thống VUSTA từ 10 năm trở lên, có uy tín khoa học, có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả, tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, của cơ quan, đơn vị; được xã hội công nhận, được cơ quan, đơn vị đó đề cử và được các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống VUSTA giới thiệu.

Năm nay có 106 trí thức tiêu biểu được vinh danh, gồm 90 nam và 16 nữ. Trong đó có 50 trí thức do các liên hiệp hội địa phương đề cử, 40 trí thức do các hội ngành toàn quốc đề cử, 16 trí thức do hội đồng xét chọn đề cử. Có 68 người có học hàm, học vị từ phó giáo sư, tiến sĩ trở lên.

Tuổi bình quân của 106 trí thức được vinh danh là 63 tuổi. Trong đó người lớn tuổi nhất là GS bác sĩ Hoàng Bảo Châu, 93 tuổi, nguyên Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam ; tiếp theo là GS Lê Xuân Tùng, 86 tuổi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Người trẻ nhất là GS Nguyễn Khánh Diệu Hồng, 41 tuổi. Tên của bà Diệu Hồng được liệt kê trong danh sách các trí thức tiêu biểu có nhiều thành tích, công lao đóng góp xuất sắc trong hoạt động khoa học công nghệ và công tác vận động trí thức.

Tuy nhiên, trong và sau cuộc gặp gỡ của VUSTA với báo giới có rất nhiều câu hỏi xung quanh thành tích của bà Hồng nhưng chưa được trả lời thỏa đáng.

Theo quyết định 354 của VUSTA (về công nhận danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022) thì GS Nguyễn Khánh Diệu Hồng làm việc ở Viện nghiên cứu Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, đơn vị trực thuộc VUSTA. Tuy nhiên, trong tài liệu tóm tắt thành tựu 106 trí thức tiểu biểu của VUSTA thì Viện nghiên cứu Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực thuộc Tập đoàn TH Group.

Theo giải thích của ông Nguyễn Viết Chiến, Tổng thư ký VUSTA, trong mô hình tổ chức của VUSTA hiện có nhiều đơn vị được thành lập bởi các thành viên của VUSTA hợp tác với doanh nghiệp. Các đơn vị này được doanh nghiệp đầu tư, tài trợ cho nghiên cứu. Nội dung hoạt động của các đơn vị này thường gắn chặt với các hoạt động của doanh nghiệp.

Không rõ lý do được vinh danh

Còn ông Phạm Hữu Duệ, Trưởng ban Tổ chức và Chính sách của VUSTA, cho biết, bà Diệu Hồng là 1 trong 16 trường hợp được hội đồng xét chọn đề cử. Cụ thể, bà Diệu Hồng được đề cử bởi Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của VUSTA. Nhưng ông Duệ không trả lời cụ thể được câu hỏi bà Diệu Hồng được đề cử, và được lựa chọn bởi có đóng góp xuất sắc trong hoạt động khoa học công nghệ hay trong công tác vận động trí thức.

Cũng trong tài liệu của VUSTA, thành tích của bà Diệu Hồng được giới thiệu chủ yếu là các hoạt động nghiên cứu khoa học trong thời gian công tác tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cụ thể là chủ trì và thực hiện thành công 10 dự án/đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ cấp quốc gia, quốc tế, cấp bộ.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, bà Nguyễn Khánh Diệu Hồng là người trẻ nhất được công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư năm 2012, là một trong 2 người trẻ nhất được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư năm 2019.

Tuy nhiên năm 2012 trong dư luận có nhiều ý kiến cho rằng kết quả nghiên cứu khoa học của bà Diệu Hồng không thực chất khi mà hầu hết các công bố đều đứng tên chung với mẹ, là một nhà khoa học trong lĩnh vực hóa học và công tác tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Giới chuyên môn nghiên cứu về hoá học (lĩnh vực của bà Hồng) cũng cho rằng hồ sơ xét giáo sư năm 2019 của bà Hồng chỉ thuộc diện “đạt tiêu chuẩn” chứ không thể hiện thành tựu nghiên cứu nào nổi trội.

Còn ông Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư ngành hoá học đợt xét năm 2019, đầu năm 2020 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bổ nhiệm chức danh giáo sư cho bà Hồng, nhiệm kỳ 5 năm. Nhưng cũng trong năm 2020, bà Hồng xin chuyển công tác, không còn làm việc ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nữa. “Như vậy hiện nay bà Hồng không còn là giáo sư của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội”, ông Điền thông tin.

Ông Điền cũng tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin bà Diệu Hồng được vinh danh trí thức tiêu biểu năm 2022, khi thành tựu chủ yếu dựa vào hoạt động nghiên cứu khoa học hồi còn làm việc ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trước năm 2020. Theo ông Điền, nếu xét với tư cách nhà khoa học thì bà Hồng không phải là trường hợp nổi bật ở trường này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.