Vĩnh Long tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh giáo sư Trần Đại Nghĩa

13/09/2023 20:11 GMT+7

Tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh giáo sư, viện sĩ, thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa (13.9.1913 - 13.9.2023).

Ngày 13.9, tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh giáo sư, viện sĩ, thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa, người con ưu tú của tỉnh Vĩnh Long và là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vĩnh Long tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Trần Đại Nghĩa - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước, tại lễ kỷ niệm

NAM LONG

Đến dự lễ có ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ; ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Trần Văn Rón, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước…

Vĩnh Long tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Trần Đại Nghĩa - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ cùng các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ kỷ niệm

NAM LONG

Vĩnh Long tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Trần Đại Nghĩa - Ảnh 3.

Các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ kỷ niệm

NAM LONG

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, nhấn mạnh: Những cống hiến của giáo sư Trần Đại Nghĩa đã để lại dấu ấn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Trên cương vị người đứng đầu ngành quân giới, với tinh thần nhiệt huyết, tận tụy phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, giáo sư Trần Đại Nghĩa đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện cán bộ, chiến sĩ chế tạo vũ khí; trong những năm đầu kháng chiến nhiều sáng kiến chế tạo, cải tạo vũ khí chống địch được áp dụng.

Vĩnh Long tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Trần Đại Nghĩa - Ảnh 4.

Ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long phát biểu ôn lại cuộc đời và sự nghiệp giáo sư Trần Đại Nghĩa

NAM LONG

"Với 84 tuổi đời, 48 tuổi Đảng, hơn 50 năm tận tụy gắn bó với sự nghiệp cách mạng, giáo sư Trần Đại Nghĩa đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến trọn đời cho ngành khoa học quân sự và có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, giải thưởng cao quý. Đạo đức cách mạng trong sáng, lòng yêu nước nồng nàn, niềm say mê nghiên cứu khoa học, sẵn sàng từ bỏ lợi ích vật chất cá nhân, một lòng theo Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của ông đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị", Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long nói.

Đại diện cho tuổi trẻ Vĩnh Long, đại úy Nguyễn Nhân Phúc, đoàn viên thuộc Ban CHQS H.Tam Bình, Vĩnh Long, nói: "Thế hệ trẻ chúng cháu hôm nay luôn kính phục và tự hào về bác Trần Đại Nghĩa. Tuy bộn bề việc nước, nhưng bác vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bồi dưỡng thế hệ trẻ".

Vĩnh Long tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Trần Đại Nghĩa - Ảnh 7.

Đại úy Nguyễn Nhân Phúc, đoàn viên thuộc Ban CHQS H.Tam Bình phát biểu tại buổi lễ

NAM LONG


Vĩnh Long tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Trần Đại Nghĩa - Ảnh 8.

Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiến vào nhà tưởng niệm Giáo sư Trần Đại Nghĩa

NAM LONG

Vĩnh Long tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Trần Đại Nghĩa - Ảnh 9.

Các đại biểu thành kính dâng hương

NAM LONG

Trước đó, sáng cùng ngày, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các tỉnh và lực lượng vũ trang đã đến dâng hoa, dâng hương và dành một phút mặc niệm tưởng nhớ giáo sư Trần Đại Nghĩa tại khu tưởng niệm ông ở xã Tường Lộc, H.Tam Bình, Vĩnh Long.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13.9.1913, tại làng Chánh Hiệp, Q.Tam Bình (nay là xã Hòa Hiệp, H.Tam Bình, Vĩnh Long) trong một gia đình nhà giáo giàu tinh thần yêu nước, lòng nhân ái. Cha ông là Phạm Văn Mùi, mẹ là bà Lý Thị Diệu. Giáo sư Trần Đại Nghĩa qua đời tại TP.HCM ngày 9.8.1987.

Năm 1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ và một số nhà trí thức yêu nước được gặp Bác Hồ và cùng với Bác Hồ cặp bến Ngự, Hải Phòng về nước tham gia kháng chiến chống Pháp. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, trước hết, Phạm Quang Lễ đã từ bỏ con đường công danh, phú quý đang rộng mở để trở về gắn bó với cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc. Trân trọng tấm lòng vì nước, vì dân của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn và đặt tên mới cho Phạm Quang Lễ là Trần Đại Nghĩa và giao nhiệm vụ làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới. 

Ngày 19.12.1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, kỹ sư Trần Đại Nghĩa lên chiến khu Việt Bắc trực tiếp chỉ đạo sản xuất các loại vũ khí như: lựu đạn, súng phóng lựu đạn, cối 80,8mm,…

Vĩnh Long tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Trần Đại Nghĩa - Ảnh 3.

Những mô hình xưởng chế tạo vũ khí được phục dựng tại khu lưu niệm giáo sư Trần Đại Nghĩa

NAM LONG

Năm 1948, ông Trần Đại Nghĩa trở thành một trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và ông cũng là thiếu tướng đầu tiên của ngành Quân giới ở tuổi 35.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam và được phân công đảm nhiệm các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Chuyên nghiệp Bách Khoa, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng...

Năm 1966, ông Trần Đại Nghĩa giữ các chức vụ: Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng phụ trách về kỹ thuật quốc phòng; đồng thời, được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.

Sau ngày thống nhất đất nước, giáo sư Trần Đại Nghĩa được phân công làm Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Đến năm 1983, ông được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.