Vĩnh Phúc: Hàng giả mạo hiệu Chanel, Adidas đổ đống trong sân bán hàng online

09/06/2022 12:35 GMT+7

Đội quản lý thị trường cơ động tỉnh Vĩnh Phúc vừa kiểm tra một hộ kinh doanh bán hàng online ở H.Lập Thạch, phát hiện gần 12.000 sản phẩm quần áo, mũ bảo hiểm có dấu hiệu giả mạo.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 5 (đội cơ động tỉnh), Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thu Hằng, xã Tử Du, H.Lập Thạch. Đây là hộ có hoạt động kinh doanh, bán hàng online qua các ứng dụng thương mại điện tử.

Qua quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ 11.521 sản phẩm quần áo, mũ bảo hiểm có dấu hiệu giả mạo, gồm 6.915 bộ quần áo trẻ em nhãn hiệu Chanel, 4.450 chiếc quần đùi nam nhãn hiệu Adidas, 156 chiếc mũ bảo hiểm nhãn hiệu Honda.

Đây đều là các nhãn hiệu đang được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Các sản phẩm trong đống hàng chờ gửi bán cho khách (mua hàng online) đều gắn hiệu Chanel, Adidas

soái anh dũng

Trong số hàng hoá trên, rất nhiều sản phẩm đã được đóng gói sẵn, đổ chất đống trong sân để chờ chuyển đi cho khách hàng.

Đoàn kiểm tra đã đề nghị Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định.

Được biết, việc kiểm tra trên của đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 5, Tổng cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc là một hoạt động thực hiện Quyết định số 888 ngày 22.3.2021 của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, về kế hoạch đấu tranh phòng, chống buôn lậu hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đây là kế hoạch tiếp nối kế hoạch trước đó (được thực hiện các từ tháng 11.2019 đến hết năm 2020), do tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến ngày càng phức tạp.

Kế hoạch 888 được thực thiện trong giai đoạn 2021-2025, nhằm các cơ sở sản xuất, kinh doanh giày dép, quần áo, thực phẩm, thực phẩm chức năng, phụ kiện trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, túi, ví, thiết bị điện tử, dụng cụ, đồ dùng thể thao, mũ bảo hiểm, dược phẩm, dược liệu và các loại hàng hóa thường xuyên bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên toàn quốc bao gồm thương mại truyền thống và trên nền tảng số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.